“Đếm sao trên trời”

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:12, 25/05/2017

Việc đưa bài hát “Tiến quân ca” cùng nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng vào danh sách 300 bài hát “được phổ biến rộng rãi” làm dậy sóng dư luận những ngày qua.

Trên một tuyến đường, người ta sơn dòng chữ BRT, nghĩa là các xe khác không được phép đi vào, trừ xe bus nhanh. Trên một cây cầu nhỏ, có biển báo cấm xe tải, nghĩa là trừ xe tải, các loại xe khác được đi qua cầu. Ở trường hợp đầu, người ta không cần phải liệt kê các loại xe “bị cấm” và ở trường hợp hai, không cần liệt kê các loại xe “được phép” qua cầu.

Việc đưa bài hát “Tiến quân ca” cùng nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng vào danh sách 300 bài hát “được phổ biến rộng rãi” làm dậy sóng dư luận những ngày qua. Nó có vẻ giống với trường hợp thứ hai, chỉ khác là Cục Nghệ thuật biểu diễn thay vì kiểm soát “xe tải” lại làm cái việc được coi là “đếm sao trên trời”: thống kê “những loại xe còn lại”. 

Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát nói trên mà là “cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi". Mặc dù theo lý giải của cơ quan này, cập nhật danh mục bài hát nhằm để quản lý trong lĩnh vực biểu diễn nhưng nhiều ý kiến cho rằng liệu Cục NTBD có đủ năng lực, thông tin để cập nhật toàn bộ các bài hát đang tồn tại trong đời sống nhân dân và việc làm này có cần thiết hay không?.

“Đếm sao trên trời”

Việc đưa bài hát “Tiến quân ca” cùng nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng vào danh sách 300 bài hát “được phổ biến rộng rãi” làm dậy sóng dư luận

Nhìn dưới góc độ pháp lý, Quyết định 55/1999/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 5/8/1999 ban hành, quy định "nghiêm cấm sử dụng bài hát Việt Nam sáng tác trước năm 1945 trong toàn quốc, trước năm 1954 ở vùng tạm chiếm, trước năm 1975 ở miền Nam để sản xuất băng, đĩa mà bài hát đó chưa được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép phổ biến". Điều 29 Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/10/2012 cũng quy định "các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam" hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện hồ sơ xin Cục NTBD cấp phép phổ biến.

Như vậy, không phải tất cả các "ca khúc trước 1975" đều phải xin phép phổ biến, và các ca khúc cách mạng thì đương nhiên không phải xin phép.

Sau những phản ứng của dư luận về sự việc trên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền, theo đó, trừ một số lĩnh vực đặc thù thì công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm. Nên chăng, thay vì thống kê danh mục những gì “được phép” thì cơ quan quản lý nên đưa ra danh mục những gì “bị cấm”, hoặc phải xin phép. Đó là cách quản lý đơn giản, đỡ tốn công và xóa được cơ chế xin- cho. Tất nhiên, đây không chỉ là câu chuyện về âm nhạc, biểu diễn mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác của xã hội.

TRUNG NGUYỄN