“Dùng kính lúp để soi voi”

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:15, 28/04/2017

Đoàn Thanh tra liên ngành mới đây đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng đất.

Theo đó, Đoàn Thanh tra liên ngành đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 50 dự án được lựa chọn ngẫu nhiên để thanh tra liên quan đến vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất. Đa số các dự án này đã hoàn thành xây dựng và đã chuyển nhượng cho người mua nhà, người dân vào nhận nhà, sử dụng ổn định.

Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, có 38 dự án có sai phạm về quy hoạch, xây dựng như: xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng…

Những sai phạm tại các dự án này gợi lại câu chuyện của tòa nhà 80B Lê Trực thời gian trước đây, khi báo chí tốn nhiều giấy mực xung quanh việc cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm của công trình này. Tưởng rằng đó là câu chuyện hy hữu, nhưng đến nay vi phạm kiểu như trên không còn hiếm nữa.

“Dùng kính lúp để soi voi”

Hình minh hoạ

Theo thanh tra, dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân) đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1, chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân thì tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng. Dự án Skylight 125D Minh Khai (Hai Bà Trưng), do Tổng công ty Cơ khí xây dựng làm chủ đầu tư đã tăng số lượng căn hộ các tầng. Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng của Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng. Dự án Toà nhà chung cư - Trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung, Hà Đông tự ý xây tăng thêm 5 tầng…

Để xử lý các dự án vi phạm, Đoàn Thanh tra liên ngành đề xuất thành phố áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với các chủ đầu tư vi phạm, đặc biệt là những doanh nghiệp nhiều lần chây ỳ không thực hiện biện pháp khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Những thông tin trên khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi việc xây dựng một tòa chung cư không giống cơi nới một căn bếp, vì sao chủ đầu tư xây thêm tới 5 tầng với hàng trăm căn hộ vượt phép mà tới khi thanh tra mới phát hiện ra. Vai trò của cơ quan quản lý, giám sát, của chính quyền địa phương ở đâu? Có người ví von rằng trường hợp này chẳng khác nào “dùng kính lúp để soi con voi”…

Còn nhớ, với sai phạm ở công trình 80B Lê Trực, các cơ quan chức năng đã phải mất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn để xử lý do chủ đầu tư không hợp tác. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt thì công việc mới có tiến triển. Vụ việc này được Thủ tướng đánh giá là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị.

Điều đó cũng cho thấy, khi sai phạm không được phát hiện sớm thì việc xử lý, khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn, tốn kém. Bởi vậy, thay vì xử lý theo kiểu “cắt ngọn” thì hãy làm tốt khâu quản lý từ “gốc” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trung Nguyễn