Đi chùa để làm gì?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 15:17, 03/02/2017
Câu hỏi có vẻ rất ngớ ngẩn nhưng nó đặt ra một cách nghiêm túc. Có bao giờ chúng ta nghiêm túc suy nghĩ về việc ấy chưa? Tôi nghĩ rằng chưa. Bởi ai ai cũng mặc định việc đi lễ chùa là cầu tài lộc, cầu thăng quan tiến chức...và tất cả những thứ ấy đều là vì mục đích cá nhân.
Những ngày này khu vực đền chùa nào cũng thấy tấp nập người. Họ bồng bế, dắt díu nhau, tay xách nách mang, đầu đội những mâm lễ đầy ú ụ lên chùa như để đổi chác với thần linh. Ai cũng rì rầm khấn vái, ai cũng chăm chăm cầu danh lợi nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của cá nhân. Có ai rộng lượng cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, đất nước phồn vinh, thịnh vượng hay không? Hẳn nhiên là không có.
Hình ảnh cướp lộc ở chùa Hương (Ảnh:Zing)
Báo chí và nhiều trang mạng loan tin, một cụ bà bị mấy cô gái trẻ đánh đến ngất xỉu ở chùa Hương vì giẫm lên chân. Câu chuyện này không mới, nó chỉ phát triển cao hơn trên cái nền phông văn hóa ứng xử cực kỳ tồi tệ và đậm chất hung hãn.
Sự hung hãn ấy kéo từ nhà ra đường rồi từ đường vào đến tận cửa chùa, một chốn thanh tịnh và tôn nghiêm. Một nhóm cô gái trẻ đi chùa mà thẳng tay đánh bà lão đến ngất xỉu chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ thì quả là không thể lý giải được. Chúng ta thấy rõ ràng sự đối lập trong tâm lý và hành động của cô gái đó. Bản chất thực sự của việc đi chùa cũng bị phơi bày phần nào.
Hoặc một câu chuyện tương tự, nó chỉ khác về không gian và thời gian là việc nhóm thanh niên truy đuổi, khóa tay và hành hung dã man một thương binh sau khi va quệt xe ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi vốn "nổi tiếng" về "điển tích" bụi đường.
Những thanh niên "máu lạnh", những "anh hùng rơm" muốn sự thể hiện sự "nghĩa hiệp" bằng cái bất nhẫn, độc ác và vô cảm. Cái tâm lý đám đông, máu hung hãn chỉ chờ dịp để bùng phát bất chấp đạo lý, đúng sai. Ở đây không chỉ có lỗi từ giáo dục mà còn là pháp luật. Chúng ta cần có những điều chỉnh về pháp luật một cách nghiêm khắc và chặt chẽ hơn. Hãy nhìn lại những vụ bạo lực học đường dã man không thể tưởng tượng được, những vụ kẻ trộm bị đánh đến chết trước những nỗ lực can thiệp bất thành của cơ quan chức năng.
Trong rất nhiều bài viết, tôi phản đối việc dùng một hành vi độc ác để đáp trả cái ác, bởi đó là cách nhanh nhất khiến cái cái ác sinh sôi nảy nở. Nhưng rất tiếc quan điểm đó luôn bị "ném đá" gay gắt.
Trở lại với câu chuyện của việc đi lễ chùa đầu năm. Nếu ai đó hỏi tôi ấn tượng điều gì nhất khi vãn cảnh ở chốn thiền môn thì ấy là sự chen lấn, xô đẩy và...chửi tục. Nó ngày càng phát triển và dường như đã trở thành thứ "đặc sản" của người Việt. Nhà nhà đi lễ chùa, người người đi lễ chùa bằng niềm tin mù quáng, đầy tính thực dụng. Họ hoàn toàn không hiểu về tín ngưỡng hay như một nhà văn hóa đã nhận định đó là "sự đứt gãy về hiểu biết tâm linh". Tuy nhiên để nối lại sự đứt gãy ấy không dễ và là một quá trình dài, thậm chí nếu không nghiêm túc, không giáo dục kịp thời nó sẽ đứt gãy vĩnh viễn.
Phải mất rất nhiều năm những nhà quản lý văn hóa mới nhận ra việc chém lợn, đâm trâu là phản văn hóa, thế nhưng còn vô số những hình ảnh phản cảm khác đang diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn tâm linh khiến nhiều người, trong đó có cả quan chức ngành văn hóa cũng bàng hoàng, sửng sốt.
Dư luận đang xôn xao về hình ảnh cướp lộc ở chùa Hương xảy ra mấy ngày trước đó. Hành vi xô đẩy, tranh cướp là sự xuống cấp, thứ văn hóa kệch cỡm và không thể biện minh bằng bất kỳ thứ luật tục văn hóa nào.
Chúng ta cứ mặc nhiên coi đó là văn hóa thì dễ dàng để lý giải vì sao con người ngày càng hung hãn, dữ tợn. Đền chùa hay thần linh đương nhiên không thể ban phát cho con người sự bình an hay quan tước. Chúng ta sống không có đạo lý, không phân biệt đúng sai, coi thường pháp luật thì có đi hàng ngàn ngôi chùa, cướp được hàng tấn lộc cũng đều vô ích.