Tăng thu thuế có giảm ô nhiễm?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:05, 20/01/2017
Và người ta càng không hài lòng khi mới đây ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) trao đổi trên báo chí cho rằng, động thái trên là để đối phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam cam kết với các nước. Và một lý do khác nữa là để xăng dầu Việt Nam không thể thấp hơn các nước, tránh phát sinh buôn lậu!
Thế hóa ra, thuế môi trường nhưng lại chẳng phải với mục đích bảo vệ môi trường như tên gọi của nó.
Thực tế thì chất lượng không khí ở Việt Nam, đặc biệt là hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã ở mức báo động. Theo công bố, lượng bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội là 50,5µg/m3 và TP.HCM là 28,23 µg/m3, cao hơn nhiều lần so với so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (10µg/m3).
Điều đó có nghĩa là, người dân ở hai thành phố lớn này ngày ngày phải hít vào lồng ngực một lượng bụi, khí độc không nhỏ. Thế nhưng môi trường ô nhiễm không bỗng dưng mà trở nên trong sạch được. Từ năm 2012, Luật thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường. Xăng dầu là một trong số loại hàng hóa đó.
Tăng thuế có làm giảm ô nhiễm môi trường? (Ảnh: HNM)
Theo thống kê của Bộ Tài chính thì nguồn thuế bảo vệ môi trường tăng lên theo hàng năm, cụ thể năm 2012 là 11.160 tỷ đến năm 2016 đã lên đến 42.393 tỷ. Thế nhưng có một điều khiến người dân băn khoăn là, tiền thuế tăng nhưng chất lượng môi trường lại giảm. Vì sao lại có tình trạng như vậy? Nguồn tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường đang dùng vào việc gì?
Và thực tế những băn khoăn đó là có căn cứ, bởi năm 2016 số tiền chi cho bảo vệ môi trường chỉ chiếm 12.290 tỷ trên tổng số thu hơn 42 tỷ như đã nêu trên. Rõ ràng số tiền thuế bảo vệ môi trường không âm chi thì việc tăng gấp đôi thuế môi trường (từ 400 đồng lên 800 đồng/ lít) của xăng có hợp lý? Việc nại ra lý do như để đối phó với thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và tránh phát sinh buôn lậu là việc khó chấp nhận được.
Nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng việc người dân có được hưởng chất lượng môi trường tương xứng với số tiền thuế bỏ ra hay không? Đơn giản, tôi bỏ số tiền cao hơn thì đương nhiên phải hưởng chất lượng sống tốt hơn. Tôi sẽ vui vẻ đóng tăng tiền thuế nhưng song song với việc đó nhà chức chức phải giảm mức độ ô nhiễm môi trường xuống cho tôi. Đó là sự công bằng.
Vì thế, khi người dân phản ứng về việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức trần khung thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng thì không có nghĩa là mức phí quá cao hay quá thấp mà họ đòi hỏi sự minh bạch.
Với số tiền thu thuế môi trường năm 2016 là 42.393 tỷ thì mức độ ô nhiễm giảm xuống bao nhiêu? Bao nhiêu tiền bỏ ra cải thiện chất lượng nước sinh hoạt và bao nhiêu chi cho chất lượng không khí? Cần sòng phẳng, rõ ràng với tiền thuế thu được và phải công khai cho người dân biết đồng tiền họ bỏ ra đã được sử dụng như thế nào.
Trong khi người dân đang lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cá chết trắng hồ, ngao chết trắng sông và không khí nhiễm độc chì thì giải pháp của nhà chức trách là tăng thu thuế môi trường để chống buôn lậu!? Thật khó để có được sự đồng thuận.