Bình đẳng xử lý vi phạm hay bình đẳng... màu sơn?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 13:58, 23/12/2016
Người đưa ra quan điểm này là ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai. Ông Sơn cho rằng để mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì không nên chia ra màu biển trắng, biển xanh, biển xe Trung ương, biển xe địa phương!?
Theo phân tích của ông Sơn, thời gian qua có nhiều xe biển xanh vi phạm mà không bị xử lý khiến cho người dân rất bất bình.
Hẳn là vì thế, cho nên ông Sơn đề xuất tất cả biển xe cùng 1 màu, để Cảnh sát giao thông... không biết đâu là xe công đâu là xe tư khi vi phạm Luật giao thông nên sẽ dừng cả lại mà xử lý.
Tuy nhiên theo phản ánh của dư luận, dừng xe là một chuyện còn xử lý thế nào lại là chuyện khác.
Dư luận cho rằng chưa biết có xử lý cả xe công, xe tư khi vi phạm hay không, vì khi xử lý vi phạm thì tất nhiên Cảnh sát giao thông sẽ biết chiếc xe là của đơn vị nào, xe chở ông nọ bà kia. Mà đã biết rồi, thì đến đây, câu chuyện về việc Cảnh sát giao thông có ưu ái hay không khi gặp xe công vi phạm, lại trở về ban đầu khi chưa đổi màu biển xe.
Thế cho nên, "diệu kế " của ông Sơn chỉ làm cho xe công và xe tư bình đẳng về ... màu sơn mà thôi, chứ không làm bình đẳng về việc tiến hành xử lý vi phạm. Và tất nhiên, người dân không thích cái "diệu kế" bình đẳng về...màu sơn này.
Ngoài ra, khi cùng 1 màu biển như vậy thì chẳng những xe công lạm dụng vi phạm giao thông vì không ai biết mà còn lạm dụng để sử dụng vào việc riêng mà cũng không sợ ai hay. Như vậy "diệu kế" của ông Sơn tuy có làm người dân không biết đâu là xe công vi phạm mà bất bình, nhưng lại làm người dân bất bình với hệ thống pháp luật khi quy định tạo kẽ hở cho việc lạm dụng tài sản công, làm giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật của nhà nước. Khi một quy định đã không được lòng dân, thì tất nhiên không nên đưa vào thực hiện.
Đấy là xét về thực tiễn, còn xét về lý luận, thì xin thưa, màu biển xe khác nhau chỉ là để cơ quan Công an truy xuất nhanh hơn về chủ phương tiện mà thôi. Màu sơn biển xe khác nhau không phải là căn cứ pháp luật để xử phạt vi phạm giao thông nên không thể nói là bất bình đẳng. Luật không hề có cái quy định nào về việc khi vi phạm thì xe công xử lý một đằng, xe tư xử lý một nẻo. Cái gây nên bất bình đẳng ở đây, chính là cách xử lý với xe vi phạm của lực lượng thi hành nhiệm vụ (trực tiếp là Cảnh sát giao thông) theo kiểu "tùy mối quan hệ" mà xử lý hay không.
Và như vậy, xét trên thực tiễn lẫn căn cứ pháp luật như đã nêu, thì đều không có cơ sở khoa học nào để triển khai cái quy định cho quy đổi tất cả biển số xe ra cùng một màu như đề xuất của ông Sơn.
Để chấm dứt tình trạng xe công vi phạm, thì vấn đề mấu chốt là việc xử lý đúng như pháp luật đã quy định. Đồng thời các cơ quan có xe công vi phạm cứ nghiêm khắc kỉ luật cán bộ, công chức có hành vi vi phạm Luật giao thông khi sử dụng xe công. Khi không được ưu ái, bao che tức khắc người sử dụng xe công sẽ biết nghiêm túc chấp hành.