Chặn đứng công nghệ lạc hậu
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:47, 16/11/2016
Thực trạng này đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ. Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, về quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, Điều 12 Luật Chuyển giao công nghệ quy định về quản lý chuyên ngành trong thẩm định công nghệ từ đầu vào quá trình xét chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư để ngăn chặn nhập công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững quốc gia.
Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội nhận định, thời gian vừa qua công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa được chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng một số công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường vẫn được nhập về. Do quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (CGCN) tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao, tuy tạo sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng CGCN nhưng không kiểm soát được việc tùy tiện thay đổi công nghệ của nhà đầu tư. Như trong trường hợp Fomorsa tự tiện thay đổi công nghệ luyện cốc.
Hiện nay chúng ta thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động CGCN. Mặt khác, Luật CGCN năm 2006 chưa quy định đầy đủ về quản lý công nghệ và CGCN trong các dự án đầu tư, trong khi Luật Đầu tư mới chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.
Do đó, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy rất cần thiết bổ sung quy định tại Điều 12 về việc phải thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Đề nghị cần quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định, quy định thành phần chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định, quy trình, thời gian thẩm định, trách nhiệm của Hội đồng…
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong quá trình triển khai, thực hiện đối với tất cả các dự án, đặc biệt là các dự án FDI. Đồng thời, bổ sung, chỉnh sửa nội dung này tại các điều, khoản có liên quan trong Luật Đầu tư để đồng bộ, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Để việc kiểm soát công nghệ, nhất là công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam không làm ảnh hưởng đến việc đầu tư của các dự án, Ủy ban KH, CN&MT nhất trí với việc phân luồng công nghệ như tại Điều 9, Điều 10, Điều 11.
Ban soạn thảo cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định này cho chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn trong bối cảnh các luật liên quan đến nội dung các điều luật này đã được sửa đổi, ban hành mới và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hy vọng Luật CGCN sửa đổi sẽ trở thành “kính chiếu yêu ” đối với công nghệ bãi rác, công nghệ lạc hậu đã và đang len lỏi vào nước ta qua những kẽ hở của luật pháp!