“Hạ cánh” không an toàn
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 16:56, 05/11/2016
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - cho biết, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng thì ông Vũ Huy Hoàng bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Tuy nhiên sau khi xem xét, Ban Bí thư đã nâng mức kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Vũ Huy Hoàng. Còn Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thời gian 2011 - 2016 bị cảnh cáo (trước bị đề nghị khiển trách). “Việc làm này là thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc đối với trước vi phạm của cán bộ, đảng viên, không có vùng cấm” - PGS Phúc nhận xét.
PGS Phúc cũng lý giải việc tại sao ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu kể cả mặt Đảng và chính quyền, nhưng vẫn bị cách chức. “Việc cách chức này có nghĩa là không công nhận ông Vũ Huy Hoàng là Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Có thể hiểu là xóa bỏ chức vụ Bí thư của anh ở giai đoạn đó, sau này trong lý lịch anh không còn được khai chức vụ đó nữa” - PGS Phúc cho hay.
Ở một cách lý giải khác, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư - nói: Cách chức trường hợp ông Vũ Huy Hoàng nghĩa là cách đi giá trị về mặt chính trị, giá trị tinh thần nên không phải cứ nghỉ hưu là không còn bị cách chức.
Theo Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Ban Chấp hành T.Ư thì đảng viên vi phạm trước đây, nhưng sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Đó là việc xử lý về mặt đảng, còn về mặt chính quyền, hiểu như thế nào về bản chất của việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức? Việc xử lý kỷ luật công chức có sai phạm tùy theo mức độ. Nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo để người đó nhận ra sai lầm, từ đó khắc phục, sửa chữa. Nặng thì giáng chức, cách chức (với người có chức vụ). Như vậy bản chất của xử lý kỷ luật là ngăn chặn không cho cán bộ công chức có vi phạm lại tiếp tục còn ở cương vị đó nữa (nếu là cách chức), đồng thời cũng ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của người vi phạm đó (do đã bị kỷ luật).
Có thể hiểu, một trong những mục đích của việc kỷ luật cán bộ công chức là nhằm ngăn cản con đường thăng tiến chức vụ của người đó, chứ mục đích kỷ luật không phải là gây một hậu quả về vật chất ngay tức khắc cho người bị kỷ luật như là xử phạt hành chính, xử lý hình sự.
Trong vụ việc ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật khi đã "hạ cánh", lúc này do ông Hoàng đã về hưu rồi cho nên dù không có quyết định cách chức thì ông Hoàng cũng không còn được ở chức vụ đó nữa và tất nhiên cũng không thể còn được thăng tiến nữa, cho nên không cần phải ngăn cản con đường tiến thân của ông Hoàng nữa. Nhưng việc kỷ luật vẫn được tiến hành để ông Hoàng phải mang "án tích" khi rời khỏi nhiệm sở, nghĩa là ông Hoàng không được coi là về vì nghỉ hưu như bình thường, mà vì bị cách chức cả về đảng và chính quyền.
Và cái quan trọng nhất là, hậu quả ông gây ra thì sẽ bị xử lý. Những người được ông bổ nhiệm sai đều bị xử lý đúng theo quy định, cho nên ông Hoàng dù đã về hưu ngay sau khi làm sai thì cũng không thể trốn tránh được trách nhiệm. Có bao nhiêu cái sai của ông cũng đều bị xử lý hết, cũng như khi ông còn đương chức vậy. Sau khi ông Hoàng bị cách chức về mặt đảng, thì từ đây sẽ mở ra quy trình xử lí về mặt chính quyền và chịu các chế tài luật pháp xử lý các vi phạm của ông. Đó mới là cái quan trọng nhất mà người ta cần quan tâm chú ý đến.
Như vậy là ông Hoàng đã “hạ cánh", nhưng là bị "rơi" chứ không phải là hạ cánh an toàn.