“Bụt nhà không thiêng”
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:40, 15/08/2016
TP. HCM kiên quyết chấm dứt việc dạy thêm trong trường học, Hà Nội siết chặt quản lý dạy thêm và rất nhiều tỉnh, thành đã “khởi động” nhằm tạo ra một sự thay đổi lớn trong môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, tất cả những quy định, chế tài liên quan đến việc dạy thêm, học thêm có thật sự đem lại hiệu quả hay nó sẽ biến tướng thành các hình thức khác thì còn nhiều vấn đề phải bàn.
Một nghịch lý vẫn luôn tồn tại là phụ huynh nào cũng than vãn, bức xúc, ghét thậm tệ việc học thêm nhưng chính họ lại ép con cái đi học thêm với nhiều lý do. Khá nhiều người kêu ca việc “thắt lưng buộc bụng” cho con đi học thêm vì sợ cô giáo “đì”, phân biệt đối xử hay đơn giản là chẳng muốn làm mất lòng giáo viên đang trực tiếp đứng lớp.
Hình minh họa
Giả sử có những giáo viên “biến chất” đi nữa thì cũng chẳng thể nào dám “ép” hay “đì” học sinh khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Chỉ cần một tấm ảnh, một video hay một mẩu tin tố cáo trên mạng xã hội là ngay lập tức giáo viên sẽ gặp rắc rối nên đâu ai dại dột rước phiền phức vào người. Có chăng chỉ là dọa và đánh vào tâm lý chuộng thành tích của phụ huynh để họ “tự nguyện” đưa con đến lớp học thêm. Nhưng đó chắc chắn chỉ là thiểu số, vậy thì tại sao đa số học sinh vẫn “cắm đầu” vào các lớp học thêm?
Người ta nói nhiều đến bệnh thành tích nhưng đừng quên một điều quan trọng: Bệnh thành tích luôn tồn tại trong chính phụ huynh. Ép con học nhiều cho bằng bạn bằng bè; nhìn “con nhà người ta” rồi so sánh thành tích, săm soi bảng điểm và dằn vặt về những con điểm không vừa ý; nghe ngóng ở đâu có thầy hay cô giỏi, chờ chực để xin cho được một ghế ở lớp học thêm nổi tiếng… Xuất phát từ tình yêu thương con và mong muốn tương lai con vẹn toàn là một phần nguyên nhân của thực trạng ấy. Nhưng phần nguyên nhân còn lại dành cho lòng tự hào bất chấp của phụ huynh, cụ thể là sự “mở mày mở mặt” vì con học giỏi.
Thêm vào đó là tâm lý “bụt nhà không thiêng”. Rất nhiều phụ huynh là trí thức, cán bộ công chức và thậm chí là nhà giáo hẳn hoi nhưng vẫn sẵn sàng gửi con đến lớp học thêm dù cho những kiến thức trong sách ấy chẳng bao giờ làm khó được mình.
Tỉ lệ phụ huynh khẳng định với con cái rằng “điểm số không quan trọng” rất ít. Số phụ huynh có thể bình chân như vại khi ngoài kia rầm rộ phong trào dạy thêm học thêm cũng rất ít. Phụ huynh chịu khó đồng hành cùng con chiếm lĩnh kiến thức sau buổi học ở lớp không nhiều và phụ huynh ưu tiên trang bị cho con phương pháp học và kỹ năng sống nhiều hơn tri thức càng hiếm hoi.
Phụ huynh phải thay đổi trước tiên, có như thế thì mới mong giải quyết được vấn đề học thêm, dạy thêm.