Tìm người nhà, bỏ qua người tài!
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:35, 05/08/2016
Số là sau kỳ thi tuyển công chức kết thúc vào ngày 6/10/2013 tại Cục Quản lý thị trường đã có ngay hàng loạt đơn thư khiếu nại, tố cáo kỳ thi không minh bạch. Thì ra kỳ thi này có tổng cộng 299 thí sinh để tranh chiếm 10 suất công chức.
Xin lỗi các cán bộ Quản lý thị trường chân chính, không ít kẻ nhòm ngó vị trí công tác được cho là thơm tho vì có thu nhập hàng ngày, hàng tuần này mỗi khi xuất quân tác nghiệp.Vậy nên bên cạnh các thí sinh đơn thương độc mã thân cô thế cô có một số người là con, cháu lãnh đạo ngành công thương. Chưa thi đã chắc suất. Ngay trong lúc làm bài, các thí sinh đã thấy một nhân vật lượn lờ các phòng thi, sau mới biết là ông Nguyễn Đức Lê vào “gà” bài nhắc vở số thí sinh “6C” (con cháu các cô các chú) làm bài. Sau này khi giải trình, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường và là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển Trương Quang Hoài Nam thừa nhận, ông Lê là người trong ban ra đề thi, chỉ xuất hiện tại khu vực thi, sân trường và hành lang chứ không gà bài cho ai… Ông Nam “bẻ ghi” vụ này do có cán bộ GATO (ghen ăn tức ở) khiếu kiện gây rối nội bộ, gây áp lực, đe doạ và hạ uy tín các cán bộ không liên quan đến kỳ thi.
Ảnh minh họa
Sau khi Bộ Nội vụ thanh tra toàn bộ việc tuyển dụng của Bộ Công Thương trong năm 2013, kết luận về sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi tuyển dụng công chức của Cục Quản lý thị trường và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ kết quả kỳ thi nói trên, đồng thời Đoàn thanh tra cũng kiến nghị xem xét và xử lý trách nhiệm của các công chức có liên quan của Cục Quản lý thị trường. Cực chẳng đã, Bộ Công Thương đành quyết định huỷ bỏ kết quả việc chọn người nhà không chọn người tài để giao cho Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục Quản lý thị trường xem xét tổ chức thi lại theo quy định hiện hành.
Với người đứng đầu Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chỉ có phê bình và cắt danh hiệu thi đua khen thưởng năm 2013 đối với ông Trương Quang Hoài Nam khi ông này đã luân chuyển về thành phố Cần Thơ, giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Ở cấp bộ ngành là vậy, còn ở cấp tỉnh thì sao. Xa mặt trời nên họ mạnh tay hơn, khỏi cần thi tuyển cử tuyển lằng nhằng, họ mạnh tay tuyển chọn và bổ nhiệm người nhà của sếp theo quy trình tùy tiện và “tế nhị”.
Đây là chuyện ở Bình Định và người nhà là của ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, người nổi tiếng với hai học vị Tiến sỹ và Thạc sỹ quản lý giáo dục dù bằng Thạc sỹ và bằng Tiến sỹ thì không có giá trị bởi phương thức đào tạo bán du học không được phép của Bộ GD&ĐT.
Các cụ lão thành cách mạng ở xứ võ Tây Sơn tố cáo việc tìm chọn và bổ nhiệm thần tốc bà vợ ông Toàn là Lê Thị Điển từ giáo viên thường lên hiệu phó, hiệu trưởng và Phó giám đốc Sở trong khoảng 3 năm.
Chị ruột ông Toàn là bà Lê Thị Kim Mai dù chỉ 3 năm nữa đến tuổi hưu vẫn được cử làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Người em ruột ông Toàn là bà Lê Thị Vinh Hương mới làm Trưởng phòng ở Sở KH&CN chưa được 1 năm đã được “điều chuyển” sang làm Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH… Theo giải thích của người có trách nhiệm về tổ chức nhân sự của Bình Định thì bà Lê Thị Điển được bổ nhiệm chức Phó GĐ Sở GD&ĐT là đúng quy trình và “có chút tế nhị”. Đó là vì ông Trần Đức Minh là anh rể ông Toàn là Giám đốc Sở GD&ĐT từ tháng 5/2012 đến tháng 5/2016.
Chọn người nhà bỏ qua người tài là vậy đó. Nếu điều này còn xảy ra chắc chắn sẽ gây mất lòng tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước, khi mà những người có thực tài không được chọn.