Thực hành liêm chính thế nào đây?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:54, 01/06/2016
Tuy nhiên, chúng ta vẫn hầu như không xác định cụ thể mục tiêu xây dựng bộ máy công quyền Liêm - Chính như thế nào.
Người dân nhìn vào bộ máy công quyền đang phấn đấu trở thành bộ máy liêm chính mà mừng lắm thay! Liêm chính không phải là điều gì xa lạ, mới mẻ đối với nhân dân ta, cán bộ đảng viên ta… bởi sinh thời Bác Hồ đã nhiều lần yêu cầu thực hành liêm chính.
Bác căn dặn rằng, người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Trong đó Liêm là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc.
Trong Sửa đổi lối làm việc, Bác viết thêm về chữ Liêm của cán bộ như sau: Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng, thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể.
Giờ là lúc cần ôn lại những điều Người nói về hai chữ Liêm - Chính của cán bộ.
Liêm là thế nào? Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.
Chính là gì? Theo Bác, người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh.
Trong 5 năm qua, Chỉ thị số 03 góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các đơn vị, địa phương; nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, tồn đọng, yếu kém kéo dài ở cơ sở được giải quyết. Theo đánh giá của Trung ương, hiện nay vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 03 đối với công tác xây dựng Đảng.
Theo Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa ban hành, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp coi đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ.
Biết ơn Bác Hồ, mỗi công chức, viên chức hãy học lại thật kỹ và làm theo thật đúng những điều Bác Hồ dạy cán bộ về Liêm - Chính để xây dựng bộ máy công quyền Liêm - Chính từ cấp xã phường lên đến Chính phủ!