Thôi đừng "treo” nữa!

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:00, 17/05/2016

Đang có “phong trào” xây dựng cấp treo lên các đỉnh núi được coi là hấp dẫn du lịch hoặc linh thiêng. Lý do chính là doanh thu hàng ngày, thu lợi nhanh chóng.

Tại non thiêng Yên Tử, hai tuyến cáp treo hái ra tiền của Công ty CP Tùng Lâm tại đây gồm: Tuyến 1 dài 1,2km, công suất vận chuyển 2.400 khách/giờ, được xây dựng năm 2001 và nâng cấp 2009, từ chân núi lên tháp tổ Huệ Quang. Tuyến thứ 2 dài gần 900m, công suất 1.800 khách/giờ, nối phía đông chùa Một Mái với khu tượng An Kỳ Sinh, được xây dựng năm 2007.

Thôi đừng

Hệ thống cáp treo của Công ty CP Tùng Lâm tại Yên Tử

Do hai hệ thống cáp treo quá tải khiến khách thăm và lễ chùa phải đợi hàng giờ mới lên được cáp treo vào mùa lễ hội Yên Tử dịp đầu năm. Ngày thường thì cơ bản đáp ứng yêu cầu , ngày mưa thì vắng hoe.

Thế nhưng, vừa qua, Công ty Tùng Lâm đã đề xuất xây thêm 2 tuyến cáp treo nữa, với công suất lớn hơn hai tuyến đã có. Đó là tuyến cáp treo thứ 3 có chiều dài 1,2km, công suất 3.500 người/giờ; tuyến mới thứ 4 có chiều dài 1km, công suất 3.000 khách/giờ.

Theo các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà tu hành thì việc xây dựng thêm hai tuyến cáp treo mới sẽ phá vỡ cảnh quan của linh thiêng Yên Tử. Bởi vì phải mở rộng nhà ga hai đầu, mở thêm đường bộ nối các ga, thậm chí còn phải mắc thêm cầu treo từ chùa Hoa Yên đến nhà ga cáp treo…

Bốn đường cáp sẽ biến non thiêng thành xứ sở cáp treo! Người ta e ngại tốc độ bêtông hóa  Yên Tử diễn ra ồ ạt để xây mới và mở rộng các di tích, khiến danh sơn Yên Tử ngày càng mất đi các di tích gốc. Yên Tử phải gồng mình chịu đựng sức ép đối với việc quản lý, việc bảo tồn trở nên khó khăn phức tạp hơn nhiều.

Các chuyên gia cho biết, trong lịch sử phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở phía đông là nơi Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, còn phía tây là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài, với các di tích như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, hồ Bấc… thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang.

“Thuyền đua thì lái cũng đua”, hiện đã có thêm một đề xuất về tuyến cáp treo thuôc dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, có tổng kinh phí trên 305 tỉ đồng, tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dự án gồm 4 chùa độc lập, được xây ở các độ cao từ 145m đến gần 1.000m và một hệ thống giao thông với cáp treo lên Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử.

Dư luận rất lo lắng vì cáp treo xâm thực Yên Tử. Nếu đều được phê duyệt thì 5 tuyến cáp treo đồng loạt đưa khách lên một không gian quá chật hẹp sẽ quá tải như thế nào?

Lợi nhuận kinh tế sẽ lấn lướt tất cả để hủy hoại Yên Tử hàng ngày.

Theo ông Giáp Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang thì dự án cáp treo đang trong giai đoạn thẩm định để xem xét cấp giấy phép đầu tư.

Ngay sau khi UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án trên, các chuyên đã lên tiếng phản biện, đề nghị không phê duyệt dự án phía bờ tây núi thiêng Yên Tử thuộc đất Bắc Giang, nơi sót lại gần như duy nhất trên đất nước ta may mà chưa kịp làm cáp treo theo phong trào.

Hãy cứu lấy toàn bộ bờ tây Yên Tử - một nơi chốn tâm linh và sinh thái còn lại duy nhất của đất nước chưa bị bê tông hóa. Hãy bảo vệ bờ tây Yên Tử và đừng treo thêm cái gì nữa vào đỉnh non thiêng! 

 

Bảo Dân