Giã từ xin lỗi suông
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:05, 21/04/2016
Nhà sử học nhận xét việc xin lỗi người dân rất kịp thời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là ứng xử đẹp, đáng khuyến khích. Tuy nhiên người dân trông đợi những hành động cũng kịp thời, hiệu quả về cách xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Thế Kha)
Câu chuyện mới hơn là lời xin lỗi muộn màng của anh cảnh sát khu vực ở Hà Nội bị “tố” là đã nhổ nước bọt vào mặt công dân khi không thể “khám nhà” lúc tối khuya, bị tung lên mạng. Là cấp trên của anh chàng bất nhã này lẽ ra phải nghiêm với “quân” mình nhưng ông sếp này lại phát biểu hàm ý bao che dung túng khi tỏ ý nghi ngờ đoạn clip này bị cắt dựng? May thay, công dân này độ lượng chấp nhận lời xin lỗi của đương sự. Mặc dù vậy, viên sĩ quan này vẫn cần được giáo dục nhiều hơn về 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân. Xin lỗi suông là chưa đủ.
Các nhà nghiên cứu, các học giả, các cử tri cao tuổi đều đánh giá cao những lời xin lỗi kịp thời, minh bạch. Tuy nhiên xin lỗi không phải là động thái “đúng quy trình”! Rất nhiều vụ việc bức xúc khi bị chất vấn thậm chí lên án đều hoà cả làng sau khi xin lỗi tượng trưng cho có, nhằm “né” búa rìu dư luận.
Dư luận hơn một lần bức xúc trước việc bổ nhiệm người thân, con cháu và nhất là bổ nhiệm cất nhắc hàng loạt cán bộ cấp Vụ lúc chạng vạng hoàng hôn nhiệm kỳ ở cơ quan nọ lại được giải trình là “đúng quy trình” thật khó thuận nhĩ lắm. Nói vậy nhưng không phải vậy! Buổi sáng ông sếp nhiệm kỳ trước đã được miễn nhiệm nhưng tối về lính lác vẫn trình ông ký nhân sự, vậy mà người ta vẫn báo cáo đúng quy trình?
Đến khóa này, lịch sử lặp lại khi vẫn có cả trung đội cán bộ cấp Vụ nhận ơn mưa móc trước khi sếp bàn giao. Khái niệm đúng quy trình trở thành cứu tinh của các sai phạm, bất minh trong công tác cán bộ. Người dân ngờ rằng mua quan bán tước là đây, chạy chức chạy quyền cũng là đây.
Làm sai - nhận sai - xin lỗi - khắc phục phải là 4 bước tự hoàn thiện đội ngũ cán bộ công chức. Tuy nhiên không phải ai cũng chịu thực hiện đủ 4 bước này nên cần có chế tài đối với người đứng đầu với trách nhiệm cá nhân cụ thể. Phải có trách nhiệm cá nhân mới xử lý được. Đằng sau trách nhiệm cá nhân phải là lương tâm, là lòng tự trọng của người đứng đầu. Các ĐBQH khuyến cáo, bên cạnh đó cần còn quy trình từ chức, tự xử mình là quan trọng nhất .
Cử tri ủng hộ quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đưa ra tại hội trường Quốc hội mới đây, khi cho rằng nếu nhiệm kỳ qua Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì tình hình có thể sẽ khác. Tuy nhiên điều này chưa xảy ra. Từ các khóa trước, người đứng đầu Chính phủ chưa hề ngưng chức ai cả. Lý do không phải là do Thủ tướng không quyết mà do cơ chế, do quy trình. Từng có Bộ trưởng có sai phạm đủ để bãi nhiệm nhưng do quy trình không thể thực hiện kịp thời nên ông đã chọn cách xin từ nhiệm, hạ cánh an toàn sau khi xin lỗi.
Giã từ xin lỗi suông là cần thiết nhưng chỉ là cách nói văn vẻ. Thẳng tưng ra là đã đến lúc nói không với lời xin lỗi lạnh tanh trước các sai phạm nghiêm trọng. Đã đến lúc phải nhận lỗi và sửa lỗi!