Chuyện Lê nin đi cắt tóc và văn hóa xếp hàng

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 07:35, 20/04/2016

Chuyện xếp hàng, chưa nói đến góc độ văn hóa, nó phản ánh trật tự, kỷ cương của một xã hội.

Còn nhớ một bài học từ hồi cấp một, kể về chuyện V. Lê nin đi cắt tóc. Ông đến tiệm cắt tóc, thấy đông khách nên ngồi chờ đến lượt mình. Người thợ cắt tóc không muốn vị lãnh tụ phải chờ lâu nên khẩn khoản mời ông vào cắt trước, nhưng Lê nin thẳng thắn từ chối. Ông nói, mình cũng phải xếp hàng như những người khác…

Trận động đất vừa qua ở Nhật Bản, lại tiếp tục thấy cảnh người dân xếp hàng để nhận cơm nắm cứu đói. Cách đây ít năm, khi bị sóng thần tàn phá, người Nhật dù mất nhà cửa, phải ngủ trong lều bằng hộp các- tông nhưng họ vẫn xếp hàng chờ phát lương thực, vẫn biết nhường phòng tắm công cộng cho người già, trẻ nhỏ.

Xếp hàng không phải đặc sản của người Nhật. Trước trận siêu bão Katrina tại Mỹ, người ta chứng kiến cảnh hàng nghìn xe ô tô xếp hàng thẳng tắp trên đường đi tránh bão. Trong tình thế nguy cấp, không thấy ai chen ngang, lấn đường.

Chuyện Lê nin đi cắt tóc và văn hóa xếp hàng

Phương tiện rời New Orleans (Mỹ) ngày 28/8/2005 khi cơn bão Katrina chuẩn bị ập tới

Vì sao người dân ở những nơi này không chen lấn, tranh cướp dù họ đang đói khát, đang gặp nguy hiểm? Câu trả lời chính xác có lẽ phải do chính người dân nơi đây. Nhưng có một điều dễ nhận thấy, hầu như họ đều là cư dân của những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và phải chăng, có một mối liên hệ giữa hai vấn đề tưởng như chẳng mấy liên quan này?

Người Việt có câu: “Trông người lại ngẫm đến ta”. Những hình ảnh chẳng mấy đẹp như cảnh cướp lộc trong lễ hôi, vượt rào vào tắm miễn phí ở công viên Hồ Tây, tranh nhau mấy cái áo mưa trong một sự kiện tại Hà Nội hay chuyện ăn buffet thì báo chí nói nhiều rồi. Ngày giỗ Tổ vừa qua lại tái diễn cảnh hàng vạn người chen lấn, xô đẩy, khiến lực lượng cảnh sát phải "bở hơi tai" mới có thể vãn hồi trật tự.

Nhiều người nói rằng, văn hóa xếp hàng bây giờ đã biến mất rồi. Nhớ thời bao cấp, người ta xếp hàng chờ mua thực phẩm bằng tem phiếu. Người xếp hàng lâu mà chưa mua được thì lấy tạm viên gạch đặt vào chỗ của mình. Có điều kỳ lạ là viên gạch ấy không bị ai ném ra chỗ khác. Giờ thì ít người kiên nhẫn xếp hàng như thế. Mua vé xem bóng đá không muốn xếp hàng thì đã có đội ngũ phe vé phục vụ. Vào bệnh viện không muốn xếp hàng thì kẹp phong bì vào hồ sơ. Cũng có người muốn xếp hàng, nhưng vì xếp mãi không đến lượt nên nản, và lần sau không muốn… xếp hàng nữa.

Chuyện Lê nin đi cắt tóc và văn hóa xếp hàng

Người Nhật luôn xếp hàng trong mọi hoàn cảnh

Chuyện xếp hàng, chưa nói đến góc độ văn hóa, nó phản ánh trật tự, kỷ cương của một xã hội. Nhiều người thắc mắc tại sao những chiếc ô tô, xe máy nhập nguyên chiếc từ châu Âu lại có tiếng còi kêu bé như tiếng dế, về bên mình có khi phải đổi còi khác cho “hoành tráng” hơn?

Đơn giản vì bên nước họ, chuyện bấm còi xe cũng phải tuân theo quy định về cường độ âm thanh, và trên đường rất ít khi có tiếng còi xe do người tham gia giao thông đã đi theo luồng, theo hàng. Khi nào phải bấm còi là sắp… có biến.

Vậy nên, khi người dân xếp hàng trước tiên là họ biết tôn trọng pháp luật, vì không xếp hàng sẽ bị phạt, và không có ai, không có cơ quan nhà nước, không có cán bộ, công chức nào chấp nhận một sự chen ngang. Từ ý thức chấp hành pháp luật được xây dựng từ khi còn nhỏ, người dân sẽ coi chuyện xếp hàng như một điều hết sức bình thường, như một phản xạ, một thói quen và cái mà chúng ta gọi là “văn hóa xếp hàng" thực ra cũng đơn giản như vậy.

Bảo Nam