Đổi mới chất vấn
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 15:08, 18/11/2015
Xin nhắc lại, cử tri từng băn khoăn việc “chốt” danh sách trả lời dễ bị đánh giá là “bẻ ghi” nhằm “né” mối quan tâm hoặc bức xúc của cử tri và Đại biểu Quốc hội về một số vấn đề nổi cộm.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội đã được thực hiện trên 20 năm, qua mấy khóa Quốc hội. Tuy nhiên, không phải phiên chất vấn nào, câu chất vấn nào và câu trả lời nào và nhất là việc hậu chất vấn đều làm cử tri hài lòng. Trên nghị trường, từng diễn ra cảnh đối thoại căng thẳng và gay gắt giữa người hỏi và người trả lời để rồi sau kỳ họp, cử tri không biết vấn đề đã được xử lý ra sao và các Bộ trưởng thực hiện lời hứa như thế nào. Đã có những vấn đề đặt ra khóa trước “bàn giao” cho Bộ trưởng khóa sau phải trả lời chất vấn vì chưa thực hiện được. Thậm chí có những nội dung được “chốt” ở nghị trường nhưng khi diễn ra khiến cử tri không mặn mà. Tình trạng đặt câu hỏi quá dài dòng, vòng vo, thiếu trọng tâm trọng điểm khiến các tư lệnh ngành lúng túng đành chọn cách trả lời chung chung, thiếu sắc bén nhưng an toàn.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hoàn hảo hơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn.
Như vậy, nội dung chất vấn không chỉ tập trung vào kết quả thực hiện các yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội và cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp mà còn làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm hoặc chưa đạt được các yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đặt ra; biện pháp, giải pháp, thời hạn thực hiện các nội dung chưa đạt được và những vấn đề khác có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Chẳng hạn khi chất vấn Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo về việc dạy tích hợp môn sử, Chủ tịch Quốc hội và một số Đại biểu đều “truy” đến cùng việc đưa môn Sử thành môn tự chọn, môn tích hợp. Và để an toàn Bộ trưởng Luận đã né, không trả lời có hay không việc bỏ môn Sử mà hứa sẽ trả lời sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan chỉ đạo, phối hợp. Cũng vì an toàn nên cả hai Bộ trưởng Cao Đức Phát và Vũ Huy Hoàng cùng trả lời về an toàn thực phẩm nhưng ĐBQH đưa câu hỏi vẫn lo sẽ không biết báo cáo cử tri thế nào để an dân.
Mặc dù vậy, cử tri vẫn hy vọng cuộc chất vấn và việc thực hiện các chất vấn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội sẽ đạt kết quả như mong đợi. Kỳ chất vấn này, các cử tri không chỉ được nghe những điều “nhĩ thuận” mà sẽ nghe Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời đầy đủ, cặn kẽ, có trách nhiệm về những việc đã làm được theo lòng dân, ý Đảng và cả những việc chưa làm được trong nhiệm kỳ. Và cử tri sẽ chăm chú theo dõi, không tắt tivi vì câu chất vấn lãng xẹt và câu trả lời như tiền lệ. Xin đừng lấy lý do an toàn mà quên mất mục đích an dân! Và quan trọng nhất là thực hiện “hậu chất vấn” để thực hiện tốt nhất các vấn đề được đặt ra từ phiên chất vấn có nhiều đổi mới không có tiền lệ này!