Bỏ thì thương, vương thì tội!

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 07:27, 12/08/2015

39 nhà xuất bản (NXB) chiếm 61,9% toàn bộ lực lượng xuất bản ở nước ta có nguy cơ bị đóng cửa. Lý do được cho là không bảo đảm đủ các điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành của Luật Xuất bản.

Báo cáo công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Xuất bản, In và Phát thanh thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cho biết thông tin “đau lòng” với hoạt động xuất bản. Các “nhà máy sách” sẽ bị đóng cửa, đang ở tình trạng bi đát “bỏ thì thương vương thì tội” khá nan giải, vô kế khả thi.

Cục Xuất bản, In và Phát thanh cũng gia hạn theo tối hậu thư đến hết ngày 31/8/2015 sẽ là hạn cuối để cơ quan chủ quản NXB thực hiện thủ tục đề nghị Bộ TTTT cấp đổi giấy phép thành lập NXB trực thuộc. Còn nhớ V.I. Lenin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Nay các NXB đóng cửa liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường sách?

Thực trạng báo động của 39 NXB cho thấy điều gì? Các NXB không đủ điều kiện do thiếu các tiêu chí nào? Đó là thiếu nguồn tài chính để hoạt động xuất bản (không đủ 5 tỷ đồng); Thiếu chức danh lãnh đạo NXB; Thiếu biên tập viên cơ hữu (số lượng biên tập viên ít hơn 5 người); Thiếu diện tích trụ sở (dưới 200m2); Đối tượng thành lập NXB không phù hợp với quy định của Luật Xuất bản. Thậm chí, một số NXB thiếu cả 2 điều kiện, riêng NXB Công Thương là NXB “3 không”; không vốn hoạt động, không có nhân sự lãnh đạo và nhân sự biên tập viên).

Thực trạng dẫn đến nguy cơ đóng cửa NXB này khiến nổ ra tranh cãi trong ngành xuất bản và giới văn nghệ sĩ, trí thức. Hóa ra  chính người trong ngành cũng cho rằng việc đóng cửa bớt một số NXB không đủ điều kiện, chức năng hoạt động là điều cần thiết. Tình trạng sách in tràn lan, in nhái in lậu và liên kết một đằng in một nẻo khiến thị trường biến dạng. Có thống kê cho biết mỗi người dân ta chỉ đọc 0,8 bản sách một năm và rất nhiều thư viện cũng đang “ngắc ngoải”. Giá như tất cả đều “sướng” như NXB Giáo dục!

Hàng loạt ấn phẩm nhảm nhí ra đời nhấn chìm những sách hay, sách tốt. Đáng buồn hơn là có những tác phẩm rất quý được biên soạn công phu vừa rời nhà máy in đã đến thẳng hàng đồng nát bán cân như giấy lộn. Giá như nguồn ngân sách cả trăm tỷ này được dùng để tiếp máu cho các NXB sắp đóng cửa thì hay biết mấy!

Hiện nay, việc kiểm soát, nộp sách lưu chiểu cũng bị buông lỏng. Có những NXB chuyên bán giấy rồi khoán gọn cho đối tác càng làm cho thị trường sách thêm hỗn loạn. “Đóng cửa các nhà xuất bản loại này, cũng giống như phẫu thuật cắt khối u”.

Bạn đọc cho rằng có xóa sổ dăm ba NXB cũng không mấy ảnh hưởng đến dân trí Việt Nam. Và đừng nương tay, nếu không sẽ tiếp tục để lọt nhiều xuất bản phẩm đầy rẫy sai phạm, hoặc mang nội dung sáo mòn, vô bổ, dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây lệch lạc trong nhận thức của người đọc, đặc biệt là giới trẻ…

Được biết Cục Xuất bản, In và Phát thanh cũng từng ra tay kiểm tra, xử phạt nhiều NXB trong thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm, có 74 xuất bản phẩm của 33 NXB bị xử lý. Cơ quan quản lý ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức và 1 cá nhân, tổng số tiền phạt là 617 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở in, buộc tiêu hủy trên 7.000 xuất bản phẩm vi phạm.

Cục Xuất bản, In và Phát thanh cũng điểm danh những NXB bản để lọt những sai sót, hạn chế, như các NXB Hồng Đức, Mỹ thuật, Văn học, Giao thông vận tải, Lao động xã hội, Dân trí, Lao động, Tri thức, Đồng Nai... đăng ký không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Một số NXB đăng ký tên sách không phù hợp với tóm tắt nội dung; tóm tắt nội dung sơ sài hoặc trích nguyên tên sách vào phần tóm tắt; viết sai chính tả... có thể đếm mỏi miệng.

Lành mạnh hóa thị trường sách đòi hỏi phải quản lý và tổ chức lại ngành xuất bản. Dẹp bớt các NXB “3 không” hoặc làm liều là cần thiết! 

Bảo Dân