Nước đổ đầu vịt!
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 15:07, 15/07/2015
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nổi của tảng băng khi ngành thuế mới điểm danh con nợ tại 2/63 tỉnh, thành phố. Nếu tính trên quy mô toàn quốc, số tổ chức, cá nhân nợ thuế tiến tới trốn sẽ còn lớn hơn nhiều. Mới ở hai nơi mà ngân sách nhà nước sẽ thiếu hụt 4.300 tỷ đồng do bị các DN chiếm dụng một cách bất hợp pháp thế thì cả nước là bao nhiêu, sao không huỵch toẹt ra? Chợt nhớ có thông tin 63% nhân viên ngành thuế có “đi đêm” với doanh nghiệp trong nhóm lợi ích nhờ chậm thuế, trốn thuế.
Đại diện các doanh nghiệp đến làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Ngành thuế cho biết, trong nhiều năm qua, cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu với chính quyền địa phương áp dụng linh hoạt các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, tạo thuận lợi cho DN trong việc huy động vốn để duy trì, phát triển, từ đó gia tăng thu nhập và có nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài việc thực hiện miễn, giảm, gia hạn nợ, xóa nợ thuế theo đúng quy định, Cục Thuế đã liên tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với pháp luật hiện hành trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp phép kinh doanh, vay vốn... Sự hỗ trợ thiết thực từ cơ quan thuế và các cấp, các ngành chức năng đã kịp thời giúp cộng đồng DN vượt qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ suy giảm kinh tế để từng bước hồi phục và lấy lại đà phát triển.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các DN nêu cao ý chí tự tôn, tự lực, tự cường để phát triển SXKD và chấp hành tốt pháp luật thuế thì cũng có những DN chưa có giải pháp quản trị hữu hiệu ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh, phải nợ thuế vẫn có cả các DN cố tình chây ỳ, nợ thuế kéo dài. Cá biệt có một số DN đã được gia hạn nợ thuế đến 24 tháng (thời hạn tối đa theo quy định) nhưng nay hết thời hạn vẫn không trả nợ thuế. Để đôn đốc thu hồi nợ cho NSNN, các cục thuế đều đã triển khai đầy đủ các nhóm giải pháp về quản lý và cưỡng chế nợ thuế, bao gồm: phân loại chính xác tình hình nợ thuế, phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ để có giải pháp động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển SXKD, vừa có tiền nộp nợ thuế. Đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, Cục Thuế đã chỉ đạo các chi cục thuế tăng cường rà soát, phân tích nợ của từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, nắm chắc tình hình thực hiện dự án, tình hình SXKD, tình hình tài chính của chủ DN, trên cơ sở đó trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc, yêu cầu báo cáo và cam kết tiến độ nộp.
Đã đến lúc cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như: phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu tiền và tài sản của DN của bên thứ ba, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, thu hồi mã số thuế và phối hợp với cơ quan Công an để thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Thực vậy bêu danh sẽ chỉ là nước đổ đầu vịt thôi, nhằm nhò gì đâu!