Bộ trưởng chưa nhận lời đi cơ sở

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:06, 17/04/2015

Phiên họp thứ 10 của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nóng lên với phần báo cáo, giải trình của Bộ LĐTBXH về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bộ LĐ-TB&XH vì ĐBQH không tin các con số trong báo cáo.

Bộ trưởng chưa nhận lời đi cơ sở

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời tại phiên họp

 

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH thì tỷ lệ giảm nghèo từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 5,8-6% (năm 2014) bình quân giảm 2%/năm, tỷ lệ tại các huyện nghèo giảm từ 58% cuối năm 2010 xuống còn 32,59% vào cuối năm 2014, bình quân giảm trên 5%/năm. Ước đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.

Nói về những con số này, ông Phạm Đức Châu - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, các con số này đánh giá chưa thực sự đúng tình hình. Vì theo ông, thực tế có nhiều địa phương, nhiều hộ không muốn thoát nghèo vì thoát nghèo “mất chính sách” cho nên mới có chuyện có một Bí thư xã bị dân kêu quá trời vì đưa xã thoát nghèo sớm!

Ông Châu nhấn mạnh, vấn đề là vì sao ngươi dân “sợ”, vì khi thoát nghèo rồi, họ vẫn có thể tái nghèo, họ ở tình trạng là nguy cơ tái nghèo. Những đối tượng này thì chưa được hỗ trợ. Do đó, bức xúc hiện nay không phải làm giảm nghèo, xóa nghèo mà chống tái nghèo và tập trung giảm nghèo cho một số địa bàn cụ thể. Đề nghị Bộ tập trung vào vấn đề cận nghèo, phải có chính sách chống tái nghèo từ xã, huyện, chứ không đơn thuần là hộ cận nghèo. Có như vậy mới định ra được các giải pháp, dự án cụ thể.

Đại biểu Châu khẳng định, ông không tin vào các số liệu báo cáo. Đại biểu Phạm Đức Châu nói. “Các con số về đào tạo nghề, chị Chuyền đừng nghe báo cáo, chị đi với tôi đi, kể cả tái định cư cho các hộ dân tới nơi ở mới, đi mới thấy nóng ruột. Người dân người ta có thích đâu, không có đất, không có nước thì họ sống làm sao? Ở những nơi tái định cư, ông thì lo đất, ông thì lo nước, ông thì lo điện, hạ tầng rời rạc, không đồng đều thì người dân khó mà sống được. Hiệu quả của các chương trình, mục tiêu như thế nào ở đây? Cho nên quan điểm của tôi vẫn là chống tái nghèo”.

Về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thúy Hoàn băn khoăn với con số “82% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” mà Bộ LĐTBXH báo cáo. Bà Hoàn chất vấn độ tin cậy của các số liệu. Theo bà Hoàn, trong quy định của Chính phủ về tiêu chí xã, phường đạt tiêu chí phù hợp với trẻ em có nhiều tiêu chí cứng, khó đạt, ví dụ như những tiêu chí về trường, trạm chuẩn. So với 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới, khó nhất là các tiêu chí về giao thông, trường, trạm đạt chuẩn, thực tế các địa phương rất trầy trật để thực hiện tiêu chí này, đến nay mới có 1/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vậy mà lại có con số xã phường phù hợp với trẻ em lại đạt hơn 80%?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải trình rằng việc nghi ngờ là quyền của đại biểu nhưng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, số liệu của mình là số liệu đảm bảo tính pháp lý. Nguyên tắc là các địa phương báo cáo lên, đều có kiểm tra và thấy rằng báo cáo là phù hợp thì Bộ tổng hợp. Với trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thì tin vào số liệu đấy chứ biết đâu nữa.

Bộ trưởng chưa nhận lời cùng đi cơ sở với ĐBQH, vả lại bà tin vào số liệu tổng hợp của Bộ giống như số liệu chỉ có một người kê khai tài sản không trung thực đến nỗi bị xử lý và số liệu chỉ có 0,46% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. 

Bảo Dân