Bài toán giảm biên chế

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:01, 10/04/2015

Theo lộ trình cải cách tiền lương, ngân sách nhà nước phải chi ra 40.000 tỷ đồng nhưng Bộ Tài chính không cân đối được.

Các chuyên gia cho rằng muốn có nguồn để tăng lương cho cán bộ công chức viên chức cần phải làm 2 việc: Tinh giản biên chế và tiết kiệm chi tiêu.

Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái các ĐBQH đã lưu ý Chính phủ cân đối ngân sách cho 2015 là cực kì khó khăn. Năm 2015 có thể không cân đối được nguồn để cải cách tiền lương theo lộ trình. 40.000 tỉ đồng là khoản tiền rất lớn.

Một số ĐBQH cho rằng việc tăng lương bị trì hoãn là vấn đề lặp lại nhiều lần, cần xem xét lại, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức. 

Muốn làm được như vậy, các ĐBQH đề nghị phải triệt để tiết kiệm chi ngân sách. Nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng hoặc công trình không cần thiết, là cực kỳ lãng phí.

Tiết kiệm chi tiêu phải đi kèm với tinh giản biên chế. Hiện nay số lượng người hưởng lương và phụ cấp mang tính chất lương rất lớn nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh. Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ, công chức nhưng làm xong thì không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin tăng! Việc tách cơ quan, tăng cấp tổng cục ở một số bộ cũng làm tăng biên chế. Cả nước mới chỉ có tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn làm thí điển nhất thể hóa cơ quan Đảng với chính quyền huyện đảo Cô Tô. Mô hình này cần được sơ kết đồng thời với thí điểm bỏ HĐND cấp phường ở một số nơi. Nếu có hiệu quả thì cần nhân rộng và sửa luật để áp dụng rộng rãi.

Có ĐBQH nhấn mạnh nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không thể nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề tinh giản biên chế thì không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân.

Trong khi đó, có ĐB nhắc lại ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá có tới 1/3 cán bộ công chức “cắp ô” đã được chỉ ra nhưng đã giảm được ai? Theo đại biểu này cần khoán kinh phí chi thường xuyên mới giảm được biên chế.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng cần nâng mức lương cơ bản. Lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa... Muốn làm được việc này cần tính toán lại bộ máy chính quyền, phân cấp chức năng nhiệm vụ mỗi cấp.

Vậy tại sao nhiều người bỏ ra vài trăm triệu để chạy vào biên chế dù lương thấp như thế? Theo ĐB Tâm, nguyên nhân là vì môi trường làm việc hiện nay thả nổi, dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Vì thế, việc tăng lương phải đi kèm với giám sát chặt chẽ, khi cán bộ sợ mất việc sẽ không có tiêu cực.

Bài toán giảm biên chế thực không dễ giải và hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế và quyết tâm của người đứng đầu.

 

Bảo Dân