Sẽ có những biện pháp mạnh để thu hồi tài sản tham nhũng

Chính trị - Ngày đăng : 11:23, 18/07/2014

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Thanh tra đã thanh tra gần 3.400 cuộc, phát hiện vi phạm hơn 9,8 nghìn tỷ đồng; xử lý trách nhiệm 5 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; cách chức hai lãnh đạo đứng đầu hai trường, đơn vị thuộc ngành Thanh tra…

 Đó là thông tin đáng chú ý mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố tại buổi họp báo ngày 16/7.

Phát hiện vi phạm hơn 9,8 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 391.108 tổ chức, cá nhân. Qua đó phát hiện vi phạm 9.853,5 tỷ đồng, 1.082,4ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,2 tỷ đồng và 409,3ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng, đạt 55,6%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035,3 tỷ đồng, 673,1ha đất; đã kiến nghị, xử lý trách nhiệm đối với 533 tập thể, 1.133 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng.

Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.557/22.535 (đạt 78%) vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 56,2 tỷ đồng, 81,3ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.233 người, kiến nghị xử lý trách nhiệm 243 người; chuyển Cơ quan điều tra xử lý 16 vụ, 16 người.

Sẽ có những biện pháp mạnh để thu hồi tài sản tham nhũng

Họp báo Thanh tra Chính phủ ngày 16/7

Cũng trong 6 tháng đầu năm, qua thanh tra phát hiện 5 vụ, 13 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 2.327 triệu đồng; đã thu 630 triệu đồng, kiến nghị xử lý đối với 20 tập thể, 15 cá nhân, chuyển Cơ quan điều tra hình sự một vụ, 5 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã chuyển Cơ quan điều tra xử lý 16 vụ, 16 đối tượng.

Giải thích nguyên nhân vì sao việc phát hiện vi phạm nhiều nhưng số vụ việc chuyển Cơ quan điều tra còn ít, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết: Theo Luật Thanh tra, mục đích của thanh tra có nhiều nội dung, song hàng đầu là phát hiện sơ hở về cơ chế, chính sách, sau đó mới đến phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm, giúp đỡ cơ quan được thanh tra sửa chữa… Trong khi đó, việc chuyển Cơ quan điều tra phải làm rõ dấu hiệu phạm tội lại không đơn giản, một phần chủ quan do năng lực điều tra của thanh tra viên không như điều tra viên.

Kết quả trên cũng phản ánh một thực tế là việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp hơn rất nhiều so với số tiền kiến nghị. Phó Tổng thanh tra Ngô Văn Khánh cho hay, đây cũng là một vấn đề rất khó, nhất là trong điều kiện hiện nay kinh tế còn khó khăn nên việc thu hồi tài sản không hề dễ dàng dù đã thực hiện các giải pháp thích hợp, những đơn vị nào còn điều kiện thì vẫn phải tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, ông Khánh khẳng định, ngành Thanh tra sẽ quyết tâm đảm bảo hiệu lực kết luận thanh tra, trong đó có nội dung thu hồi tài sản sau thanh tra. Dự kiến từ tháng 8, TTCP sẽ có những hoạt động để yêu cầu toàn xã hội cùng thực hiện kết luận thanh tra và đến cuối năm sẽ có những số liệu, nhận định, đánh giá sát hơn trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị Thanh tra.

Xử lý trách nhiệm 5 người đứng đầu

Ông Hoàng Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP cho biết: Trong 6 tháng qua, ngành Thanh tra đã xử lý trách nhiệm 5 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại các địa phương (trong đó, Điện Biên 1 người, Lạng Sơn 2 người, Bình Thuận 1 người, Tiền Giang 1 người). Trong 5 trường hợp này có 4 trường hợp bị xác định thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Hai cán bộ lãnh đạo thuộc Trung tâm thông tin và Trường cán bộ Thanh tra (thuộc TTCP) cũng đã bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra một số sai phạm. Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, sau khi xem xét tất cả các yếu tố, Tổng TTCP đã quyết định cho thôi chức đối với Hiệu trưởng trường và Giám đốc Trung tâm, đồng thời thành lập các tổ kiểm tra, giải quyết đơn thư, giải quyết kiến nghị. Hiện, TTCP đã có kết luận, thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan, kể cả khai trừ khỏi Đảng.

Một vấn đề nữa được dư luận quan tâm là Kết luận thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố mới đây. Theo kết luận này, VCCI đã sử dụng số tiền gốc chênh lệch thu - chi từ Hội nghị APEC 2006 đem gửi tiết kiệm để sinh lãi. Số tiền hơn 9,4 tỷ đồng này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đáng lẽ phải nộp vào Kho bạc Nhà nước. Từ năm 2008 đến 2009, VCCI còn rút tiền từ khoản gửi ngân hàng này để sử dụng chung cho các hoạt động của VCCI khi chưa được phép của các cơ quan quản lý, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước.

Ông Trần Đức Lượng cũng thừa nhận, dù đoàn thanh tra không gặp một áp lực nào khi thanh tra tại VCCI nhưng cũng có khó khăn và lúng túng nhất định, do đây là lần đầu tiên thanh tra tại một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ và tự chủ về tài chính.

Còn về việc chậm trễ công bố kết luận thanh tra tại VCCI là do cuối tháng 7/2013, TTCP mới có quyết định thanh tra, trước tháng 9 kết thúc thanh tra, tháng 11 có dự thảo báo cáo kết luận gửi Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng chỉ đạo phải làm việc tiếp với Bộ Công an, Bộ Tài chính. Tới tháng 3/2014, Bộ Công an mới có ý kiến trả lời, thống nhất với dự thảo nên đầu tháng 4 vừa qua, TTCP mới ký được kết luận. Trong kết luận thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan, bao gồm cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch VCCI.

Phía TTCP cũng cho biết, ngày 15/7, Ban Tiếp công dân Trung ương ra đời, đánh dấu sự đổi mới trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho hay, tới đây, Ban Tiếp công dân sẽ đề xuất với Tổng TTCP kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Nếu như kết luận thanh tra có liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo địa phương, thủ trưởng cơ quan, Ban Tiếp công dân sẽ đề xuất Thanh tra công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, xem xét trách nhiệm trong việc để khiếu kiện kéo dài vượt cấp lên cơ quan Trung ương. Không chỉ xử lý về mặt hành chính mà còn xem xét trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, khen thưởng.

 

Theo kế hoạch, trong quý III/2014, TTCP dự kiến triển khai 6 cuộc thanh tra, gồm: Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống tín dụng và quyền lợi của người dân tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; thanh tra việc giao đất giao rừng tại tỉnh Bình Phước; thanh tra việc chấp hành, quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thanh tra trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; thanh tra việc thực hiện Luật BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp.

 

 

Quốc Huy