Hai “mẹ mìn” chùa Bồ Đề bật khóc nức nở tại tòa
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 15:30, 09/09/2015
Sáng 9/9, TAND quận Long Biên mở lại phiên xét xử đối với hai “mẹ mìn” là Phạm Thị Nguyệt, 45 tuổi (quê ở Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang, 37 tuổi (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội- nguyên bảo mẫu chùa Bồ Đề).
Tại phiên xét xử, “mẹ mìn” Trang khai nhận bắt đầu làm việc tại chùa Bồ Đề từ tháng 10/2010. Bị cáo được sư trụ trì Thích Đàm Lan giao công việc quản lý khu nhà mở từ cuối năm 2012. Khu nhà này gồm 199 người ở, trong đó có 106 cháu bé. Cuối tháng 10/2013, chị Hà đưa cháu bé Cù Nguyên Công đến gửi nhà chùa, Trang là người hướng dẫn chị Hà làm đơn gửi con.
Sau khi tiếp nhận cháu Công, chị ta trực tiếp chăm sóc rồi đưa vào phòng sơ sinh của chùa. Bị cáo cũng khai nhận quen biết Nguyệt khoảng tháng 8/2012, khi người này mang một cháu bé nhiễm HIV đến chùa.
Sau một thời gian qua lại, Nguyệt đặt vấn đề “tìm một bé trai khỏe mạnh, không nhiễm HIV để nhận làm con nuôi”. Do được chị Hà tâm sự hoàn cảnh khó khăn, không nuôi được cháu Công, Trang nhớ đến lời đề nghị nên thông báo cho Nguyệt. Nguyệt giục Trang làm thủ tục để nhận cháu Công và hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang và mẹ cháu Công 40 triệu đồng.
Theo lời khai của bị cáo Trang, để chị Hà yên tâm cho con trai đi làm con nuôi, Trang đã nhờ một người bán nước trong chùa đóng giả là chị dâu của mình để đến nói chuyện với chị Hà.
Sau cuộc gặp trên, ngày 1/1/2014, chị Hà đến chùa làm thủ tục và bế cháu Công ra khỏi chùa. Do Nguyệt không đến nhận, Trang đã mang cháu bé về nhà mẹ đẻ ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín). Ngày hôm sau, bị cáo đưa cháu Công đi xét nghiệm.
Ngay khi cầm kết quả xét nghiệm, Nguyệt giao 35 triệu đồng cho Trang ở quán nước. Số tiền trên, bị cáo gửi vào tài khoản của chị Hà 10 triệu đồng, số còn lại đã chi tiêu hết.
Tỏ thái độ hối hận, nguyên bảo mẫu chàu Bồ Đề sụt sùi nói, hơn 400 ngày qua ở trong trại tạm giam bị cáo rất ăn năn và hối hận.
Hai bị cáo Nguyệt-Trang bật khóc suốt phiên xét xử
Trái với thái độ thành khẩn của Trang, Nguyệt không thừa nhận việc đã hứa hẹn bồi dưỡng tiền cho Trang đồng thời đòi đối chất tại tòa. Tuy nhiên, bị cáo Trang tiếp tục giữ nguyên lời khai ban đầu.
Trả lời câu hỏi về việc không trực tiếp đến gặp chị Hà nhận con mà phải thông qua Trang, bị cáo giãi bày do “không hiểu biết pháp luật”. Khai trước tòa, Nguyệt trình bày có 2 con đẻ với người chồng trước và ba mẹ con chung sống ở quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, chủ tọa công bố lời khai của 2 con bị cáo, từ năm 2000, Nguyệt bỏ nhà ra đi. Nói về mục đích nhận nuôi cháu Công, bị cáo này khóc nức nở nói do xuất phát từ “cái tâm thương yêu trẻ con và để về già có người nương tựa”.
Nguyệt khai thời gian đó còn nuôi 2 cháu Đức Anh, Gia Hân. “Hàng tháng bị cáo nhận hàng may quần áo đủ các loại, thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng”, bị cáo này nói.
Tuy nhiên, theo bản điều tra của công an, chỗ ở của bị cáo chỉ có 20 m2. Vị chủ tọa giải thích thủ tục nhận con nuôi phải đảm bảm điều kiện về kinh tế, sức khỏe, bị cáo đã không làm đúng thủ tục của nhà nước quy định. Bị cáo cũng khai năm 2006, làm hộ chiếu với mong muốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.
Năm 2009, bị cáo làm CMND khai tên giả là Phạm Thị Tân Nguyệt, sinh năm 1979. Trước câu hỏi của HĐXX về việc thay tên đổi họ, Nguyệt khai “không biết, do người ta ghi như thế, bị cáo không có ý kiến gì”.
Người phụ nữ này thừa nhận trong thời gian nhận nuôi các cháu bé, bị cáo chung sống không hôn thú với hai người đàn ông. Mãi đến năm 2014, bị cáo mới kết hôn với anh Hữu. Khi nhận ba cháu bé về nuôi dưỡng, bị cáo nói dối với chồng là con đẻ và làm giấy chứng sinh.
Tại phiên tòa, anh Hữu chồng của Nguyệt trình bày, năm 2012, Nguyệt nói dối việc mang bầu, sinh các cháu Đức Anh, Gia Hân và cháu Công. Do thường xuyên đi làm xa vắng nhà, anh hoàn toàn tin tưởng và không chút nghi ngờ.
Đến tòa với vai trò người có nghĩa vụ liên quan, anh Hữu yêu cầu Nguyệt hoàn trả số tiền hơn 200 triệu đồng chu cấp trong thời gian nuôi con. Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng truy tố, ngày 30/7/2014, Công an Hà Nội nhận được đơn của anh Nguyễn Thành Long, 40 tuổi (ở quận Đống Đa, Hà Nội) tố giác việc cháu Cù Nguyên Công (là bé trai mà anh Long nhận làm cha đỡ đầu) đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề bị đem bán. Qua điều tra, cơ quan công an đã xác định, Nguyệt là người đã mua cháu Công từ chùa Bồ Đề vào tháng 1/2014. Kiểm tra nơi ở của Nguyệt, cơ quan điều tra còn phát hiện Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé là Phạm Đức Anh (sinh năm 2012) và Phạm Gia Hân (tức Trần Vũ Gia Hân, sinh năm 2013). Theo điều tra, năm 2011, chị Trần Thị Thu Hà 26 tuổi (quê ở Phú Thọ) và anh Vũ Xuân T.,31 tuổi (quê Tuyên Quang) chung sống với nhau như vợ chồng và có thai ngoài ý muốn. Sau khi sinh một bé trai, vì sợ gia đình biết, ngày 25/10/2013, chị Hà đem gửi con ở chùa Bồ Đề. Sư trụ trì Thích Đàm Lan đã hướng dẫn chị Hà gặp Trang là quản lý nhà Mở (trông trẻ) ở chùa Bồ Đề, giúp việc cho sư Thích Đàm Lan để làm thủ tục tiếp nhận cháu bé. Đến tham gia hoạt động làm từ thiện cho trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, anh Long đã rất yêu quý cháu bé con chị Hà nên đã xin nhà chùa cho nhận làm cha đỡ đầu của cháu bé, đặt tên con là Cù Nguyên Công. Thời điểm này, dù không có việc làm ổn định nhưng Nguyệt vẫn nhận nuôi cháu Phạm Đức Anh (là con của chị U., ở Thanh Xuân, Hà Nội) và cháu Phạm Gia Hân (là con của chị G., ở Đông Hưng, Thái Bình). Không những vậy, Nguyệt còn nhờ Trang tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để cô ta nhận làm con nuôi và hứa sẽ đưa cho Trang 40 triệu đồng sau khi nhận được cháu bé. Ngày 1/1/2014, sau khi làm xong thủ tục tại chùa Bồ Đề, Nguyệt đã tới nhận cháu Công. Nguyệt đưa 35 triệu đồng cho Trang và nói: “5 triệu đồng còn lại để mua sữa cho cháu Công” và Trang đồng ý. Nguyệt mang cháu Công về nuôi dưỡng cùng 2 cháu Phạm Đức Anh và Phạm Gia Hân. Quá trình nuôi dưỡng, cháu Công bị mắc bệnh sởi nặng và chết vào ngày 24/6/2014. Tại cơ quan điều tra, chị U. và chị G. đều khẳng định, do không có điều kiện nuôi dưỡng nên 2 chị đồng ý cho Nguyệt nhận cháu Đức Anh và cháu Gia Hân làm con nuôi. Vì vậy, không có cơ sở để xử lý Nguyệt về hành vi mua bán 2 cháu này. |