Hội thảo quốc tế về Dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự
Chính trị - Ngày đăng : 11:18, 18/07/2014
TS. Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Qua công tác giám sát, khảo sát, thẩm tra báo cáo hàng năm của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Ủy ban Tư pháp và đánh giá tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự của các cơ quan có thẩm quyền, Pháp lệnh đã tồn tại một số nhược điểm. Cụ thể là: Tồn tại nhiều đầu mối Cơ quan điều tra làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra. Riêng ở Bộ Công an có 4 Cục cảnh sát điều tra, Công an cấp tỉnh có 252 đơn vị Phòng cảnh sát điều tra và Công an cấp huyện có 1.629 Đội cảnh sát điều tra, hai Cục An ninh điều tra cấp Bộ và 63 Phòng An ninh điều tra cấp tỉnh; ngoài ra còn có 7 cơ quan cấp Bộ và 442 cơ quan cấp tỉnh thuộc lực lượng Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Do đó, rất khó khăn trong việc phân công quản lý, tổ chức, chủ động hoạt động điều tra; hoạt động điều tra còn bị quan hệ hành chính chi phối chưa rành mạch giữa hoạt động điều tra tố tụng, điều tra trinh sát và quản lý hành chính; Cơ quan điều tra và điều tra viên chưa thực sự độc lập trong hoạt động tố tụng, điều tra viên chưa thể tự chịu trách nhiệm về hành vi và quyết định tố tụng của mình. Do vậy, việc tổ chức lại Cơ quan điều tra, kể cả trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân và VKSNDTC là nhu cầu khách quan để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên.
Quang cảnh hội thảo
Trước hết, cần thu gọn đầu mối các Cơ quan điều tra. Hiện nay, Cơ quan điều tra được tổ chức quá nhiều đầu mối đan xen, tản mạn trong rất nhiều cơ quan ở Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VKSNDTC, các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Cách tổ chức này đã làm cho lực lượng điều tra phân tán, không được đầu tư tập trung, kém hiệu quả, tạo ra chồng chéo trong thẩm quyền điều tra, không sử dụng hiệu quả đội ngũ điều tra viên (đơn vị nhiều án thì thiếu điều tra viên, đơn vị ít án thì thừa điều tra viên)…
Với những đòi hỏi trên, việc đề xuất các mô hình tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra phải đảm bảo được các yêu cầu sau: Tổ chức lại các Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động trinh sát và hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự.
Thứ hai, phải bảo đảm cho hoạt động điều tra hình sự có sự thống nhất giữa nguyên tắc và mục đích trong hoạt động thực tiễn. Theo đó, điều tra hình sự có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc tố tụng hình sự mà cao nhất là nguyên tắc pháp chế, tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bên cạnh việc phải nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, tạo những tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết vụ án hình sự. Thứ ba, phải bảo đảm cho hoạt động điều tra hình sự được tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất chuyên sâu, kết hợp có hiệu quả giữa điều tra trong tố tụng hình sự với hoạt động nghiệp vụ trinh sát; bảo đảm được mối quan hệ chặt chẽ giữa điều tra tội phạm với phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Thứ tư, phải bảo đảm cho hoạt động điều tra hình sự được giám sát bằng một cơ chế phù hợp để tránh sự lạm quyền của Cơ quan điều tra và những người có trách nhiệm trong cơ quan này, trong đó quan trọng nhất là sự giám sát có hiệu quả của nhân dân, kiểm tra, giám sát bằng các cơ chế nội bộ; xác định mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra với các chủ thể tiến hành tố tụng hình sự khác.
Thứ năm, bảo đảm cho hoạt động của Cơ quan điều tra có sự độc lập tương đối giữa hành chính và tư pháp, phát huy được tính độc lập, khả năng sáng tạo, tính chịu trách nhiệm của điều tra viên trong hoạt động điều tra.
Nguyễn Quang