TAND thành phố Đà Nẵng nỗ lực đổi mới thủ tục hành chính với cơ chế “một cửa liên thông”

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 13:30, 21/09/2020

Trong những năm qua, TAND TP. Đà Nẵng luôn nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính với cơ chế “một cửa liên thông” nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc...

TAND thành phố Đà Nẵng nỗ lực đổi mới thủ tục hành chính với cơ chế “một cửa liên thông”

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trao Quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND TP. Đà Nẵng cho đồng chí Nguyễn Thị Cảnh và Quyết định nghỉ theo chế độ cho đồng chí Nguyễn Thành

Đổi mới quy trình

Trước đây, hoạt động tiếp dân và các công việc tiền tố tụng, khi thụ lý các loại án đều do các tòa chuyên trách thực hiện. Do đó, khi nộp đơn khởi kiện, người dân và doanh nghiệp phải tốn thời gian đi lại nhiều lần, qua nhiều bộ phận khác nhau, vụ việc mới có thể được thụ lý giải quyết. Đó là chưa nói đến việc do các tòa chuyên trách không thể thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên, nên hoạt động tiền tố tụng thường chậm, không liên tục, không bảo đảm thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/01/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020, nhằm tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tư pháp, TAND TP. Đà Nẵng đã xây dựng nhiều nội dung triển khai cải cách Tổ Nghiệp vụ tại tòa án. Đây là nơi tiếp nhận, xử lý và hướng dẫn người dân và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến làm việc tại TAND thành phố. Thông qua bộ phận này, việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ được thống nhất theo một quy trình, một đầu mối nhận, trả và lưu trữ hồ sơ, sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân sự, giảm áp lực cho công tác hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, đơn khởi kiện.

Thực hiện yêu cầu trên, Tổ Nghiệp vụ “một cửa liên thông” được giao nhiệm vụ trực tiếp nhận đơn khởi kiện qua công tác tiếp dân, vào sổ nhận đơn, cấp giấy báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trong thời hạn luật định, tổ ra thông báo thụ lý đơn nếu hồ sơ đầy đủ và chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác.

Ông Đặng văn Mạnh, Chánh Văn phòng TAND thành phố Đà Nẵng cho biết: Việc áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa tòa án với cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Ngoài việc giúp người dân giảm việc đi lại, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cách làm này còn tạo cơ chế giám sát, quản lý của nhân dân đối với hoạt động của Tòa. Cơ chế này cũng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các bộ phận, cá nhân, tránh chồng chéo trong xử lý công việc, tạo môi trường làm việc khoa học. Điều này góp phần xây dựng nền hành chính tư pháp dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc khởi kiện vụ án, việc dân sự, cá nhân, tổ chức có thể nộp đơn trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc nộp qua đường bưu chính. Công chức tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp, đầy đủ của hồ sơ, nếu hồ sơ không thuộc thẩm quyền tòa thì hướng dẫn cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thì hướng dẫn nộp hồ sơ đầy đủ theo mẫu tùy loại việc. Nếu hồ sơ đủ điều kiện thì nhập hồ sơ vào phần mềm điện tử, in biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện bằng văn bản không quá một lần, trước khi quyết định thụ lý các loại việc kiện.

Về thủ tục xóa án tích, hoãn thi hành án, bộ phận “một cửa liên thông” sẽ nhận các hồ sơ, tài liệu của các cơ quan chuyển giao cho bộ phận thi hành án hình sự. Đặc biệt, công tác tiếp dân được ghi nhận trực tiếp ý kiến phản ánh của công dân tại phòng tiếp công dân và qua đường dây tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động của TAND TP. Đà Nẵng. Đồng thời, Tòa cũng cải tiến công tác tiếp nhận thư từ giao dịch, xây dựng hệ thống lưu trữ, công khai lịch làm việc tại tòa.

Sự đổi mới về quy trình “một cửa liên thông” không chỉ giúp người dân đến làm việc tại Tòa được thuận lợi, nhanh gọn và hiệu quả, mà còn giúp cho TAND TP. Đà Nẵng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC về cải cách tư pháp nâng cao chất lượng xét xử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Cải cách hành chính tư pháp là nhiệm vụ quan trọng

Mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa liên thông” tại TAND TP. Đà Nẵng mặc dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc. Bởi quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án vẫn chưa được thống nhất; đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động hành chính tư pháp còn thiếu về số lượng, một số hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm với công việc, cá biệt còn có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân. Trang thiết bị và môi trường làm việc để tiến hành các hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án chưa hiện đại, khoa học...

Chia sẻ với phóng viên báo Công lý về khó khăn trong việc đổi mới thủ tục hành chính, ông Đặng văn Mạnh chia sẻ: “TAND TP. Đà Nẵng là đơn vị có lượng án thụ lý và giải quyết hằng năm rất lớn, chiếm khoảng 1/6 lượng án cả nước và tăng đều qua các năm. Việc thực hiện cơ chế  “một cửa liên thông” sẽ tạo ra cách thức giải quyết công việc hiệu quả, từng bước đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện. Tòa cũng công khai hóa thủ tục tiếp cận hồ sơ, cung cấp tài liệu, thông tin, trích lục bản án, quyết định của tòa theo quy định của pháp luật.

Trong quy chế thực hiện “một cửa liên thông” có quy định rõ: Cá nhân, đơn vị tòa án trễ hạn giải quyết thì phải gửi thư xin lỗi người dân và chỉ được trễ hạn một lần.”

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động xét xử và công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. TAND TP. Đà Nẵng cũng xác định việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nói chung và chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết nói riêng.

Để đảm bảo các vụ việc phải được thụ lý và giải quyết nhanh chóng, loại bỏ những thủ tục rườm rà; ứng dụng quy trình “một cửa liên thông”, xác định rõ thời gian giải quyết của từng khâu, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính tư pháp cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Tòa án.

Bên cạnh đó, việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào “một cửa liên thông” được Tòa án thành phố rất chú trọng. Bước đầu, Tòa án đã triển khai một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung cho các tòa án, như: Phần mềm thống kê, phần mềm quản lý các loại vụ án... Vì vậy, các vụ việc giải quyết đến đâu được cập nhật đến đó, giúp cho lãnh đạo ngành theo dõi, kịp thời đôn đốc, tránh được tình trạng để vụ án giải quyết quá hạn luật định. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tòa án theo hướng tinh gọn, hiện đại và hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của tòa án, bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân.

Những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính của TAND TP. Đà Nẵng đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý trong xét xử; đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính dễ dàng, góp phần bảo đảm thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Thu Hương