Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 15:38, 19/09/2020
Nhạc sỹ Phó Đức Phương đã ra đi ở tuổi 76
Nguồn tin từ gia đình cho biết nhạc sỹ Phó Đức Phương vừa qua đời lúc 12h18 phút tại một bệnh viện quốc tế ở Minh Khai, sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư tụy.
Trước đó, ngày 18/9, nhận thấy sức khoẻ của nhạc sĩ Phó Đức Phương chuyển biến yếu, gia đình đã nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện. Đến sáng ngày 19/9, ông trút hơi thở cuối cùng.
Ngày 10/7 vừa qua, các nghệ sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Phương Anh… còn vinh danh ông trong “Đêm nhạc Phó Đức Phương - Khúc hát phiêu ly” tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Tân Tiến, nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên. Ông từng nhận được 1 đề cử tại giải Cống hiến và giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội trước khi về hưu.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương từng đỗ khoa Toán trường đại học Sư phạm. Ba năm sau ông thôi học và trở thành nông trường viên ở tỉnh Hòa Bình. Giữa năm 1966, nhạc sỹ quay lại trường học và thi đỗ vào trường Âm nhạc Việt Nam. Trong thời gian này, ông sáng tác bài hát “Những cô gái quan họ.”
Thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ, nhạc sỹ Phó Đức Phương có đam mê với hội họa, thơ ca, lịch sử và thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng, những “con chim đầu đàn” thời ấy.
Ông luôn đưa vào các tác phẩm của mình sự tìm tòi, khai thác tinh hoa trong âm nhạc dân gian các vùng miền. Cũng nhờ thế mà các tác phẩm của ông đều mang màu trữ tình hòa với âm hưởng dân ca, được yêu thích bởi thính giả nhiều thế hệ, nhiều độ tuổi.
Các sáng tác nổi tiếng của ông gồm: "Những cô gái quan họ," "Hồ trên núi," "Huyền thoại Hồ núi Cốc," "Trên đỉnh Phù Vân," "Một thoáng Tây Hồ," "Mộng mị Sapa," "Biển mũi," "Chảy đi sông ơi"... Ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim: "Những đứa con," "Trăng rằm," "Lưu lạc," "Giông tố"... và nhạc cho nhiều vở sân khấu như: "Hồn Trương Ba da hàng thịt," "Nguồn sáng trong đời," "Tôi và chúng ta," "Nghêu sò ốc hến," "Thầy khoá làng tôi," "Rừng trúc"...
Ngoài tài năng đặc biệt về sáng tác, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn được biết tới với tư cách sáng lập và điều hành Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam trong nhiều năm.Ông đã có gần 20 năm đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Sự tận tụy và sự quyết liệt của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng ý thức tác quyền tại nước ta.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong họp báo liveshow "Trên đỉnh Phù Vân" năm 2016. Ảnh: Tuấn Nguyên.
Khi phát hiện bản thân bị ung thư tụy, nhạc sĩ Phó Đức Phương rất lạc quan chống chọi với bệnh tật. Khi mới bị bệnh, ông từng chia sẻ về tình hình của mình: "Phải nói rằng thời gian vừa qua thực sự tôi lên bờ xuống ruộng. Cùng với phác đồ điều trị và qua kiểm tra và làm các xét nghiệm mọi chỉ số về y học tạm thời ổn định, phương pháp điều trị đã và đang đi đúng hướng và ngày một tốt hơn. Với tôi, ung thư không phải là bế tắc...Một người đang khỏe mạnh mà giờ chỉ ăn ngày 7 thìa cháo thì sức đâu? Nhưng tôi cứ lì lợm và kiên trì"...
76 năm sống trên cõi tạm, giờ đây ông đã ra đi mãi mãi. Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ, ông đã sống như con sông trong ca khúc Chảy đi sông ơi: "Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy"...
Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là sự mất mát lớn đối với nền âm nhạc dân gian đương đại Việt Nam.
Ca sĩ Tùng Dương cho biết anh nhận được tin buồn từ gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương vào trưa 19/9. Dù biết sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu, anh vẫn bất ngờ khi biết vị nhạc sĩ tài hoa đã ra đi vĩnh viễn.
"Khi điều trị tại bệnh viện, nhạc sĩ vẫn là người luôn lạc quan, mang tiếng cười đến cho người khác. Ông không muốn gia đình, bạn bè, người thân thấy mình mệt mỏi. Hồi tháng 7 vừa qua, các nghệ sĩ cùng gia đình đã kịp tổ chức đêm nhạc dành tặng chú. Vĩnh biệt tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà Dương từng biết", Tùng Dương nghẹn ngào khi nói về nhạc sĩ.
"Một người chú, người nhạc sĩ đáng kính, cây đa, cây đề của làng nhạc Việt Nam. Vĩnh biệt chú" ca sĩ Ngọc Anh chia sẻ.