“Rẻ của” - hệ lụy khôn lường
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Đã đến lúc phải mua lại tên miền quốc gia quan trọng đang thuộc sở hữu của nước ngoài
Tên miền được xem là thương hiệu của website, là một dạng tài nguyên số quan trọng bậc nhất trên mạng internet. Ở Việt Nam, tên miền “dotVN” được coi là tài nguyên quốc gia và cần được phát triển mạnh, bền vững để không những nâng cao giá trị hình ảnh internet Việt Nam với thế giới bên ngoài mà còn thúc đẩy trình độ ứng dụng và các giao dịch của cộng đồng người dân Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp trên internet.
Theo thống kê, Việt Nam đang đứng đầu các quốc gia có số lượng đăng ký tên miền quốc gia nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á với gần 200.000 tên miền. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tên miền là 170% mỗi năm. Điều này chứng tỏ Việt Nam ngày càng ý thức được sự hữu ích của tên miền trong nền kinh tế số. Cũng chính vì thế, các doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đã chủ động đăng ký tên miền, thiết kế website và đưa doanh nghiệp của mình tiến ra thị trường toàn cầu. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân cũng đang dần thiết lập cho mình các cổng thông tin để giới thiệu và phát triển hình ảnh.
Tuy nhiên đáng buồn là rất nhiều DN, cơ quan, tổ chức phần lớn chưa ý thức được ý nghĩa của tên miền và thương hiệu số. Chính vì thế, họ thờ ơ hoặc không chú trọng đến vấn đề này từ đó diễn ra các cuộc tranh chấp. Đó là chưa nói, thường thì các chủ thể khi đi đăng ký tên miền chỉ đăng ký một tên miền, để ngỏ các tên miền còn lại. Ví dụ Vietcombank, chỉ đăng ký Vietcombank.com.vn mà không đăng ký vietcombank.vn/.net.vn. Hậu quả có đến 90% tên miền ngân hàng đã bị mất. Một số tên miền của các tổ chức, đơn vị báo chí khác cũng vậy. Đáng nói là các vụ tranh chấp tên miền thường đi vào bế tắc bởi tên miền không phải là thương hiệu và không được Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ. Chính vì thế, tình trạng tranh chấp tên miền diễn ra rất nóng bỏng nhưng chưa có lời giải.
Vào thời điểm cấp tên miền cấp 2 “dotVN”, Trung tâm internet Việt Nam đã dành 8 tháng để kêu gọi và ưu tiên đăng ký cho các doanh nghiệp, thương hiệu, tổ chức có bản quyền và nhãn hiệu, nhưng trong thời gian đó rất ít thương hiệu và tổ chức quan tâm. Giai đoạn cấp phát tự do cho ai đến trước cấp trước, chỉ trong 3 ngày đã có hơn 4.000 tên miền được đăng ký, trong đó phần lớn đã thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài. |
Ngược lại ở Việt Nam, có thể nhận thấy các doanh nghiệp nước ngoài rất chú trọng tới việc phát triển thị trường quốc tế. Những tập đoàn như HP, Google, Microsoft, Coca-cola… đều mua tên miền tại tất cả các quốc gia. Không chỉ mua một tên mà mua bao vây tất cả các tên miền, từ .com.vn/.vn/.net/.org…
Thử hình dung các tập đoàn lớn, các thương hiệu lớn sẽ ra sao nếu để mất tên miền quốc gia của mình? Chắc chắn sẽ có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, đưa nội dung xấu làm mất uy tín, hoặc là lý do để các thương hiệu dần dần mất đi khách hàng của mình do tình trạng nhầm lẫn, đó là chưa kể những tên miền của các tập đoàn, thương hiệu hoặc các tổ chức lớn của Việt Nam nếu rơi vào tay nước ngoài hoặc cá nhân thiếu hiểu biết sẽ không chỉ ảnh hưởng đến họ, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hình ảnh quốc gia. Rủi ro cận kề nhất là khi các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức, cá nhân khi nhận ra vai trò của tên miền và muốn mua lại thì họ sẽ phải chi ra số tiền không nhỏ. Thay vì 1 triệu đồng đăng ký họ có thể phải bỏ ra hàng chục nghìn đôla để mua lại. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách tài chính của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân.
Nhận thức được vai trò quan trọng của website, thương hiệu số và tên miền, mới đây Tập đoàn Micronet đã triển khai hoạt động “Chương trình Bảo vệ tên miền Việt Nam”, theo đó Micronet đã đăng ký cho mình và đồng thời đăng ký bảo vệ cho các tập đoàn, thương hiệu, các tổ chức, cá nhân, địa phương, chương trình, dự án quan trọng tại Việt Nam. Kết quả bước đầu đã đăng ký hơn 100 tên miền quan trọng để không rơi vào các tổ chức, cá nhân nước ngoài như Vietcombank.vn, Agribank.vn, Petrolimex.vn…
Theo bà Lê Thúy Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Micronet: Nỗ lực của Micronet là rất lớn, tuy nhiên một mình Micronet không thể làm được bởi hiện nay số lượng các tên miền thương hiệu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lớn còn rất lớn. “Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải lập một quỹ Bảo vệ tên để mua lại nhiều tên miền quốc gia quan trọng đang bị chủ thể nước ngoài sở hữu và rao bán trên thị trường để giúp cho việc đảm bảo an ninh mạng và an ninh thông tin trong tương lai. Mặt khác các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… sẽ được bảo vệ khi họ chưa nhận thức kịp thời và đúng đắn…” - bà Hạnh chia sẻ.
Phương Dung