UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2020 của các cơ quan Tư pháp
Chính trị - Ngày đăng : 11:57, 14/09/2020
Các vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh
Tại phiên, các ủy viên UBTVQH đã nghe đại diện các cơ quan Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC trình bày các báo cáo công tác năm 2020.
Báo cáo công tác ngành Kiểm sát năm 2020, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết: Năm qua, cơ quan này triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao. VKS các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết các nguồn tin về tội phạm, theo đó, tỷ lệ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết giảm 1,3%;
Quang cảnh phiên họp
VKS cũng đã ban hành hơn 86.500 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, tăng 9,7%; trực tiếp kiểm sát gần 600 cuộc tại Cơ quan điều tra,... Qua đó, đã yêu cầu: khởi tố 626 vụ án, tăng 9,4%; hủy 10 quyết định khởi tố vụ án, tăng 22,7%. VKS trực tiếp hủy 26 quyết định không khởi tố vụ án, 54 quyết định khởi tố vụ án, tăng 22,7%; quyết định khởi tố 14 vụ án;
Trực tiếp lấy lời khai hơn 30.000 người bị bắt, tạm giữ; tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%); kiểm sát 71.443 hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra; ban hành 62.765 yêu cầu điều tra, tăng 12,1%; trực tiếp hỏi cung 54.324 bị can,... Thông qua đó, đã không phê chuẩn hơn 600 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ, trái pháp luật; hủy 618 quyết định tạm giữ; yêu cầu bắt tạm giam 44 bị can; …
Đặc biệt, năm 2020, không để xảy ra trường hợp VKS truy tố, HĐXX sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội; Xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn. Chú trọng thực hiện biện pháp thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng…
Trình bày Báo cáo công tác ngành Tòa án năm 2020, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Năm 2020, các Tòa án đã giải quyết được 408.908/ 550.830 vụ việc thụ lý (đạt tỷ lệ 74,23%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án tiếp tục chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng.
Đặc biệt, Tòa án đã kịp thời đưa ra xét xử nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm; chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tòa án cũng đã tập trung nguồn lực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đã giải quyết được 7.101/15.136 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 47%. Lãnh đạo TANDTC cũng đã tổ chức các buổi làm việc, hội nghị chuyên đề về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này…
Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 của Hội đồng Chánh án ASEAN dưới hình thức trực tuyến.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác Tòa án, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho hay: về cơ bản, công tác của các Tòa án đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu cơ bản mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra: Tranh tụng tại phiên toà tiếp tục được triển khai sâu rộng theo hướng thực chất, hiệu quả; đã phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 7.101 “Phiên tòa rút kinh nghiệm”. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán là 1,1%, thấp hơn 0,4% so với chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.
Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (52,8%); bản án, quyết định dân sự mà TAND các cấp phải giải thích hoặc có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vì lý do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Còn một số tồn tại cần khắc phục
Thẩm tra các báo cáo, UBTP nhận thấy, năm 2020, Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời tích cực bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh dẫn đến một số chỉ tiêu công tác giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp
Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2019, một số chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, UBTP chỉ ra những tồn tại, hạn chế, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019; Còn 17 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Về báo cáo của VKSNDTC, UBTP nhận thấy, trong năm 2020 công tác kiểm sát tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế được VKSNDTC chỉ đạo quyết liệt, số vụ án được khởi tố tăng, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng 14,6%.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, vẫn còn 57 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKS; còn 60 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án hình sự được Tòa án chấp nhận mặc dù vượt chỉ tiêu của Quốc hội, nhưng giảm 5% so với năm 2019…
Về Báo cáo của TANDTC, UBTP cơ bản tán thành với những kết quả công tác ngành Tòa án đã đạt được và nhận thấy, năm 2020, TAND các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử và đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019.
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự: chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết Quốc hội.
Trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự: Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội; giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. Trong công tác giải quyết án hành chính: không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều giảm so với cùng kỳ năm 2019;…
UBTP cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới VKSND phải ban hành 610 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.399 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội…