Tiền lệ pháp và Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Hai điểm sáng mới của ngành Tòa án Việt Nam
Tiêu điểm - Ngày đăng : 23:08, 13/09/2020
Tiền lệ pháp
Trong thời kỳ đất nước đổi mới và phát triển, công tác xét xử của TAND các cấp đã tuân thủ nguyên tắc xuyên suốt là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cũng như phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong 3/4 thế kỷ qua, các thế hệ Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại TAND các cấp đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Sau 15 năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW/2005 và Kết luận số 92-KL/TW/2014 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; đến nay, ngành TAND Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao” mà Nghị quyết đã đề ra.
Qua quá trình phấn đấu để hoàn thành “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” mà trọng tâm là hoạt động xét xử, ngành TAND Việt Nam đã có nhiều gương, sáng, nhiều điểm sáng. Trong số đó, nổi bật hai vấn đề quan trọng là từng bước đưa “Tiền lệ pháp” (còn gọi là “Án lệ”) vào quá trình xét xử và “Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020”.
Áp dụng Án lệ- đổi mới tích cực và hội nhập quốc tế của TAND
“Tiền lệ pháp” hay còn gọi là Án lệ là một trong những hình thức áp dụng pháp luật khá phổ biến trển thế giới. Đó là các “bản án, quyết định của Tòa án được xem như là ví dụ hoặc căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các trường hợp pháp lý tương tự xảy ra sau đó. Tòa án cố gắng giải quyết các vụ án trên cơ sở những nguyên tắc đã được xác định trong các vụ việc trước đó mà nếu có yếu tố hoặc nguyên tắc pháp lý gần giống với vụ việc đang xem xét. Theo đó, kết luận của batrn án hoặc quyết định hành chính trước đó cho một vụ án hoặc vụ kiện hành chính tương tự sẽ là khuôn mẫu để Tòa án tiếp tục giải quyết các vụ việc sau đó”. Hơn nữa, tiền lệ pháp còn giúp cho quá trình xây dựng luật của ngành Toà án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Một buổi hòa giải tại Trung tâm
Trước đây, ngành Tòa án không áp dụng Án lệ mà thay vào đó là các văn bản “Hướng dẫn xét xử” cũng có tác dụng tương tự như việc áp dụng “Tiền lệ pháp”. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn xét xử chỉ có tác dụng như các văn bản hành chính và do không hội đủ các yếu tố của một nguồn luật nên giá trị pháp lý yếu. Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn xét xử thường có nội dung chung chung, thiếu cụ thể và có tính manh mún, phạm vi tham chiếu hẹp, mức độ tham chiếu hạn chế nên khó có thể tập hợp để trở thành một trong các nguồn luật ổn định. Vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng Án lệ đã trở thành một trong các nhiệm vụ quan trọng của “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” mà trọng tâm là công tác xét xử của TAND các cấp.
Đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như thực hiện Kết luận số 92-KL/TW/2014 của Bộ Chính trị, ngày 6/4/2016, TANDTC đã công bố 6 án lệ đầu tiên của ngành Tòa án Việt Nam. Tiếp đến TANDTC công bố 4 án lệ ngày 17/10/2016, gồm 3 án lệ về giao dịch kinh tế dân sự và 1 án lệ về khởi kiện hành chính. Cùng với đó các quy trình lựa chọn và công bố án lệ được cập nhật để đảm bảo chất lượng những án lệ được công bố.
Sau 5 năm tích cực thực hiện, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã lựa chọn và Chánh án TAND tối cao đã công bố tổng cộng 37 án lệ. Các án lệ này có phổ rất rộng từ các vụ án hình sự đến các vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản, tranh chấp giao dịch dân sự, khiếu kiện hành chính, trách nhiệm dân sự của vụ án hình sự, tranh chấp thừa kế, giao dịch kinh tế quốc tế, trách nhiệm của công dân tham gia hoạt động tư pháp… Ngoài ra, còn có 14 dự thảo án lệ đã được biên soạn, tham khảo ý kiến chuyên gia để trình Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lực chọn và công bố trong năm 2020.
Đến tháng 6/2018, chỉ riêng trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại, đã có 57 bản án được tuyên theo phương pháp áp dụng Án lệ số 08/2016/AL. Và đến ngày 2/12/2019, đã có 602 bản án, quyết định của các Tòa án các cấp đã viện dẫn, áp dụng án lệ. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án; án lệ đã thực sự đi vào thực tiễn đời sống pháp lý, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án
Trong 5 năm vừa qua, việc thừa nhận án lệ theo kinh nghiệm quốc tế và việc áp dụng án lệ trong xét xử đã chứng minh tính hiệu quả để góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án. Đó chính là một trong các điểm đổi mới rất quan trọng của ngành TAND trong việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án-nền tảng pháp lý quan trọng
Cổ nhân có câu “Dĩ hòa vi quý” thể hiện xu hướng giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân trong đời sống xã hội một cách lành mạnh, hạn chế đối đầu, tránh xung đột. Điều đó đã tạo nên bản sắc truyền thống của người Việt Nam, không chỉ thượng tôn pháp luật mà còn lấy “chữ tình” làm trọng nhằm tránh nguy cơ xung đột không đáng có. Ở Việt Nam từ xa xưa, chữ “lý” và chữ “tình” được vẫn dụng một cách uyển chuyển, hòa quyện với nhau, không cực đoan, không khiên cưỡng đã tạo nên một xã hội bình yên, hài hòa giữa những con người luôn ứng xử với nhau có lý, có tình.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chúng ta đã có “Luật Hòa giải ở cơ sở” quy định biện pháp hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xã hội (trừ các trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải). Tuy nhiên, điểm yếu nhất của “Luật Hòa giải ở cơ sở” là đã tách việc hòa giải ra khỏi quá trình tố tụng, coi hòa giải như một biện pháp hành chính để giải quyết các mâu thuẫn ở cấp cơ sở như một cách “rút củi đáy nồi” trong giai đoạn “tiền tố tụng”. Theo “Luật Hòa giải ở cơ sở” thì cán bộ của chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ Quốc ở cơ sở là những người dứng ra tổ chức đối thoại và hòa giải; những người có tranh chấp tham gia với tư cách là đương sự của một vụ tranh chấp không có yếu tố tố tụng. Chính vì vậy mà các cam kết của việc hòa giải ở cơ sở (nếu hòa giải thành) cũng hoàn toàn không có tính chất ràng buộc pháp lý. Do đó, không giải quyết triệt để nguồn gốc của mâu thuẫn cũng như không hạn chế được khả năng phát sinh các mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tập, đa dạng hơn.
Những nhận thức đó đã thôi thúc Hội đồng Thẩm phán và các cơ quan tham mưu của TANDTC tìm kiếm những biện pháp pháp lý cơ bản hơn, vững chắc hơn để có thể giải quyết có hiệu quả nhất các tranh chấp, các mâu thuẫn dân sự. Đó là việc xây dựng một đạo luật về hòa giải, đối thoại tại tòa, với các hòa giải viên có đủ trình độ và kinh nghiệm hoạt động pháp lý, có năng lực giao tiếp và thuyết phục, có đạo đức nghề nghiệp… Việc hòa giải và đối thoại tại tòa nều được quy định bằng luật pháp sẽ vừa đảm bảo tính chất tự nguyện, vừa bảo đảm sự ràng buộc pháp lý của giai đoạn hậu đối thoại, hậu hòa giải, làm cho việc hòa giải có tác dụng thiết thực hơn, chắc chắn hơn bằng những cam kết có tính chất pháp lý giữa các đương sự để ghi nhận các thỏa thuận ấy.
Ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua “Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Luật này được xếp vào lĩnh vực “Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp”. Do đó, hòa giải và đối thoại được coi là các phương thức để giải quyết tranh chấp có tính chất tố tụng chứ không chỉ còn là các biện pháp vận động thuyết phục để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân như trước đây. Cũng như vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn giúp giải quyết nhiều vướng mắc về pháp lý đối với các tranh chấp trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội có yếu tố nước ngoài.
Xét về tổng thể, Luật này đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay. Xét về góc độ cải cách hành chính, cơ chế mới do Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo ra còn góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Xét từ góc độ văn hóa, “Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” cũng góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, giàu bản sắc nhân văn của con người Việt Nam, vừa tôn trọng luật pháp, vừa ứng xử có lý, có tình để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp một cách ôn hòa, đúng mực.
Việc Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được xây dựng công phu và được Quốc hội Việt Nam khóa XIV thông qua đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của ngành TAND Việt Nam, là một trong các điểm sáng quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống luật pháp, bảo đảm sự phát triển vững chắc của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung và ngành TAND Việt Nam nói riêng sau 75 năm xây dựng, trưởng thành và hứa hẹn những sự phát triển mới trong những năm tiếp theo.