Những năm tháng không quên ở TAND cấp cao tại Hà Nội

Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:01, 13/09/2020

Nhiều người biết đến những vụ án lớn, đình đám mà các TAND đưa ra xét xử nghiêm minh như Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Phan Văn Anh Vũ… nhưng ít ai biết để đưa ra xét xử những vụ án lớn như vậy là nỗ lực không ngừng của cả bộ máy, trong đó có Thẩm phán.

Vào đầu những năm 2000, Đảng ta nhận định: “Công tác tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chính sách hình sự, chế định pháp luật dân sự và pháp luật về tố tụng tư pháp còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu.” Vì vậy, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đối với hệ thống TAND, Nghị quyết 49/NQ-TW nêu rõ: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp”, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND.

Trên cơ sở yêu cầu khách quan của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 24/11/2014, Luật Tổ chức TAND năm 2014, được thông qua là bước ngoặt quan trọng trong cơ cấu, tổ chức của hệ  thống Tòa  án. Trong đó, hệ thống Tòa án nước ta được tổ chức theo 4 cấp, gồm: TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Những năm tháng không quên ở TAND cấp cao tại Hà Nội

TAND cấp cao tại Hà Nội triển khai công tác năm 2019

Ngày 28/5/2015, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 thành lập 3 TAND cấp cao, trong đó TAND cấp cao tại Hà Nội với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc, có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội. Cũng trong năm 2015, khi đang làm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tôi được Chánh án TANDTC bổ nhiệm làm Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội. Vẫn biết nhiệm vụ tổ chức phân công, nhưng chia tay Tòa án tỉnh Nghệ An- nơi tôi công tác, gắn bó hơn 25 năm qua đã để lại rất nhiều cảm xúc khó quên…

Công tác Tòa án đối với tôi không phải là mới mẻ, song trọng trách Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, một cấp Tòa án mới thành lập thật sự là một thử thách không nhỏ. Tôi nhận thức sâu sắc rằng bên cạnh những thuận lợi cơ bản là sự đồng thuận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công tác cải cách tư pháp; tinh thần đoàn kết, nhất trí, sự nỗ lực của tập thể; sự kế thừa nguồn nhân lực chất lượng cao tại các Tòa chuyên trách, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, còn gặp vô vàn những khó khăn, thách thức. Đó là sức ỳ của bộ máy khi bắt đầu thay đổi, sự lạc hậu trong lý luận và tư duy; khó khăn, vướng mắc khi sắp xếp, tổ chức, chỉnh hợp lại tổ chức, bộ máy để vừa đảm bảo hiệu quả công việc nói chung, đồng thời đảm bảo công việc bố trí phù hợp đảm bảo mỗi cá nhân có thể phát huy sở trường, năng lực là những vấn đề cấp thiết phải giải quyết…

Đứng trước một khối lượng công việc rất lớn được tiếp nhận từ các Tòa chuyên trách, Tòa phúc thẩm TANDTC trong khi bộ máy tổ chức chưa được sắp xếp, kiện toàn, tập thể lãnh đạo cùng Đảng ủy đã ngày đêm suy nghĩ, tìm tòi giải pháp tháo gỡ. Sau một thời gian rất ngắn, với sự thống nhất ý chí của tập thể lãnh đạo, Đảng ủy TAND cấp cao tại Hà Nội, được sự ủng hộ của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Bộ máy giúp việc của TAND tại Hà Nội cơ bản được kiện toàn đã tạo không khí phấn khởi trong tập thể công chức hăng hái phấn đấu, cống hiến động lực quan trọng thúc đẩy sự vận hành của cả đơn vị.

Cùng với việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách là xét xử phúc thẩm, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tập thể lãnh đạo, đảng ủy đặt vấn đề xây dựng lề lối làm việc, từng bước xây dựng các quy chế công tác như: Quy chế hoạt động của cơ quan, Quy chế dân chủ, Quy chế tiếp dân…việc ban hành được các quy chế làm việc đã tạo được sự thống nhất cao, tạo điều kiện để công chức, người lao động phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết hiệu quả công việc được giao.

Cho đến thời điểm hiện nay, qua 5 năm thành lập, TAND cấp cao tại Hà Nội thụ lý tổng cộng 9.116 vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm, đã giải quyết được 7.870 vụ, trong đó có nhiều vụ án trọng điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ Trịnh Xuân Thanh bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản; vụ Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản; Vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội tham ô tài sản; Vụ Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội tham ô tài sản…; vụ Phan Văn Anh Vũ…

Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự  đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, không hạn chế thời gian tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong việc xét xử các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hành chính, TAND cấp cao tại Hà Nội đã từng bước khắc phục tình trạng để quá thời hạn giải quyết; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ; đồng thời, chủ động xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án, chú trọng công tác hòa giải, tổ chức đối thoại nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nhân dân.

Trong giải quyết các vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiếp nhận 39.462 đơn khiếu nại. Qua phân loại xác định có 29.988 đơn trùng lặp, đơn không thuộc thẩm quyền hoặc chưa đủ điều kiện; đã thụ lý 9.474 vụ, việc để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Kết quả đã giải quyết được 8.355 vụ, việc, trong đó: trả lời không có căn cứ kháng nghị 6.661 vụ, việc; kháng nghị 909 vụ, việc, giải quyết khiếu nại hoặc xử lý khác đối với 785 vụ, việc. TAND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 1.444 vụ án có kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; đã xét xử được 1.382 vụ án.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đạt được những kết quả nổi bật, nhiều năm liền đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (trung bình đạt khoảng 70% so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 60%). Việc trả lời đơn, cũng như kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thực hiện một cách thận trọng, đúng quy định của pháp luật…

Năm tháng công tác tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, tôi đã vinh dự cùng tập thể công chức, người lao động 02 lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, 2 lần được tặng thưởng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 41 lượt đơn vị được tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được tặng thưởng hiểu danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý khác.

Nhìn lại 36 năm công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân, 5 năm không dài nhưng lại là những năm tháng không thể nào quên với tôi, với vinh dự được là một trong những chánh án đầu tiền của một cấp tòa án mới, chúng tôi có may mắn đã cùng tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động trong cơ quan nỗ lực làm việc, cống hiến góp phần minh chứng rõ nét, khẳng định tính đúng đắn của mô hình tổ chức hệ thống Tòa án mới, góp phần vào công cuộc xây dựng nền tư pháp trong sách, vững mạnh.

 

 

Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội