Tòa án nhân dân - chặng đường lịch sử vẻ vang 75 năm
Tòa án - Ngày đăng : 08:56, 12/09/2020
Lịch sử xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) nước ta luôn gắn liền với quá trình hoàn thiện và củng cố Nhà nước trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam, từ đó đã tạo nên những mốc son chói lọi trên chặng đường 75 năm vẻ vang của hệ thống TAND. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, tạo lập môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho các cá nhân của TANDTC
Quá trình phát triển hệ thống TAND từ năm 1945 đến nay
Giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 2013: Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 33C thiết lập các Tòa án quân sự (là tiền thân TAND ở nước ta) với nhiệm vụ “Xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Đến ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13. Đây là Sắc lệnh manh nha xác lập hệ thống Tòa án từ Trung ương đến địa phương. Hiến pháp năm 1946 ra đời, đến ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng. Bắt đầu từ thời điểm này, khái niệm TAND chính thức được thừa nhận và sử dụng trong pháp luật tố tụng Việt Nam.
Tiếp sau đó, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 ra đời, trên cơ sở đó các Luật về tổ chức Tòa án được ban hành, từ đó hệ thống TAND đã được kiện toàn và ngày càng phát triển.
Giai đoạn từ năm 2013 đến nay: Trong giai đoạn này, văn bản quan trọng là Hiến pháp năm 2013, đây là văn bản đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền Nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Chính vì thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cũng thay đổi, theo đó “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm hết sức to lớn và nặng nề là “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã ra đời, xuất hiện TAND cấp cao trong hệ thống Tòa án, tạo những bước đi ban đầu tiến dần đến sự độc lập của cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp.
Những đổi mới tiêu biểu của TAND
Đổi mới công tác xét xử đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới: Cùng với cải cách về kinh tế, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến cải cách tư pháp, cụ thể nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về tư pháp đã được ban hành như Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần được thực hiện trong năm 2000, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Với việc xác định cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp, thời gian qua, đã tạo dấu ấn đối với lịch sử phát triển hệ thống Tòa án và được xã hội ghi nhận, thể hiện tính hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng ở nước ta, hướng tới xây dựng nền tư pháp bảo đảm công lý và chứa đựng các giá trị của tư pháp hiện đại. Cụ thể như sau:
Đổi mới tổ chức phiên tòa: Tòa án đã tiếp thu hợp lý mô hình tranh tụng, đổi mới cả nội dung và hình thức tố tụng như bố trí lại mô hình phòng xử án. Những thay đổi của phòng xử án không chỉ là vấn đề thay đổi vị trí chỗ ngồi một cách cơ học mà thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013, ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, thể hiện đúng vị trí, vai trò của các thành phần trong phòng xử án, trong đó chú trọng việc xét xử đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi theo mô hình phòng xét xử thân thiện, các văn bản được ban hành như Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 quy định về phòng xử án, Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, đặc biệt Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi đã hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Qua đó, nhằm thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp về bảo đảm tranh tụng và công bằng xét xử, tạo điều kiện thuận lợi để những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án, bảo vệ các đối tượng dễ bị xâm hại được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tòa án đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng Tòa án điện tử gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án, dần hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý các loại vụ, việc; công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, trang thông tin điện tử về án lệ cũng đã được xây dựng nhằm làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể, đồng thời đảm bảo tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán chuyên nghiệp, tận tụy, liêm chính: Đối với hệ thống Tòa án, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra là đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ để đáp ứng theo yêu cầu cải cách tư pháp. Thông qua các đổi mới sau:
Đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng: Chất lượng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán quyết định sự phát triển bền vững của hệ thống Tòa án, mà chất lượng cán bộ lại phụ thuộc vào việc đào tạo, bồi dưỡng, trong đó chú trọng tập trung xây dựng Học viện Tòa án thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho TAND. Trong đó, áp dụng chế độ thi tuyển chức danh tư pháp thay cho chế độ xét tuyển, việc thi tuyển chức danh Thẩm phán được thực hiện thông qua Kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán được tổ chức ít nhất mỗi năm hai kỳ. Việc áp dụng chế độ thi tuyển đã góp phần khắc phục nhưng hạn chế, tùy tiện, cảm tính trong bổ nhiệm chức danh tư pháp thời gian qua, buộc mỗi cán bộ phải tự học, tự rèn luyện, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cả hệ thống Tòa án.
Đổi mới trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ: Sau nhiều năm đổi mới, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, Thẩm phán đã được đào tạo chuyên nghiệp hơn, yêu ngành, yêu nghề. Tuy nhiên, vẫn còn có những cán bộ thiếu nhiệt huyết, thụ động, ngại va chạm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống Tòa án và mỗi cán bộ phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là biểu tượng công lý. Nếu Thẩm phán do nhận thức, năng lực yếu ra bản án, quyết định làm oan, sai thì cần đào tạo, bồi dưỡng lại; Thẩm phán phải tự kiểm điểm, nhìn ra sai lầm để khắc phục, nâng cao trình độ. Nếu Thẩm phán cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật, không có căn cứ, không đem lại công bằng, công lý thì phải bị xử lý nghiêm minh, cụ thể, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND, để mỗi cán bộ tự tu dương, rèn luyện, giữ gìn cốt cách. Thẩm phán là chức danh tinh túy của xã hội, chức danh này được cả xã hội tôn vinh, người dân không bao giờ nghi ngờ sự liêm chính của Thẩm phán. Mỗi cán bộ Tòa án cần giữ được sự tự hào về sứ mệnh, trách nhiệm của mình thì sẽ có niềm tin của Nhân dân và xã hội vào mỗi cán bộ nói riêng, vào hệ thống Tòa án nói chung.