Tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nâng cao chất lượng xét xử
Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:05, 11/09/2020
Để đạt được thành tích đó, các đơn vị TAND đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về cải cách tư pháp và nhóm 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác của các đơn vị Tòa án, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài hiện nay
Phấn đấu trên các mặt công tác
Trong những tháng đầu năm 2020, các đơn vị Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, kinh tế tăng trưởng chậm, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài, khó lường làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội; tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án... Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, các đơn vị TAND đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực đổi mới, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác xét xử, một nhiệm vụ cốt lõi của Tòa án.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc có nhiều chuyển biến: Từ ngày 01/10/2019 đến ngày 31/5/2020, các Tòa án đã thụ lý 444.279 vụ việc, đã giải quyết được 293.763 vụ việc (đạt tỷ lệ 66,1%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Tòa án giảm hơn cùng kỳ năm ngoái, đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Trong đó, về án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 63.344 vụ với 112.923 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 53.370 vụ với 89.958 bị cáo. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Về án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 352.207 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 219.835 vụ việc. Đối với án hành chính, các TAND đã thụ lý 10.582 vụ; đã giải quyết, xét xử được 4.162 vụ.
Công tác xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, các TAND cấp huyện đã thụ lý 16.800 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 16.061 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95,6%. Công tác thi hành án hình sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 58.603 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 99,6%.
Công tác miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước, các TAND đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 1.613 trường hợp với tổng số tiền được miễn, giảm trên 7 tỷ đồng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đối với công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các Tòa án đã thụ lý 08 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 02 trường hợp với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng thụ lý 23 vụ án dân sự mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết được 10 vụ; tuyên buộc các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền gần 01 tỷ đồng.
Công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng pháp luật đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và có nhiều đổi mới quan trọng. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 03 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; Chánh án TANDTC đã ban hành 01 Chỉ thị, 01 Thông tư; thông qua 08 án lệ, nâng tổng số án lệ đã được công bố là 37 án lệ.
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được tăng cường, đổi mới, tập trung vào việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới và những vướng mắc trong thực tiễn xét xử; đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo hướng tăng cường hình thức tập huấn trực tuyến và tự đào tạo từ thực tiễn xét xử thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của các TAND tiếp tục được kiện toàn; các Tòa án đã thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; cán bộ có chức danh tư pháp tiếp tục được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được quan tâm hơn nhằm củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các Tòa án.
Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án; công tác thi đua khen thưởng, thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả…
Khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra
Để khắc phục các hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chỉ tiêu công tác, các đơn vị Tòa án tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; đặc biệt chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án. Tuân thủ và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; khẩn trương rà soát và chủ động đề xuất xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp; chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của Chánh án TANDTC về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự…
Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đó, các Tòa án cần quan tâm thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; các TAND cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương và các TAND cấp tỉnh cần tăng cường làm tốt công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với các Tòa án thuộc thẩm quyền kiểm tra của mình, kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất…
Nâng cao chất lượng kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, tập trung quán triệt và thực hiện tốt các nội như: Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; các TAND cấp cao phải xem xét, giải quyết đề xuất kháng nghị của TAND cấp tỉnh trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị kháng nghị; quyết định giám đốc thẩm phải định hướng rõ đường lối giải quyết vụ việc cho các vòng tố tụng sau, tránh tình trạng hủy án để xét xử lại, nhưng không rõ định hướng giải quyết và đặc biệt cần khắc phục tình trạng mỗi lần xét xử giám đốc thẩm thì định hướng của cấp giám đốc thẩm lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau…
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu Tòa án các cấp trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp theo chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, nơi nào làm tốt thì biểu dương, nơi nào làm chưa tốt thì phải xác định trách nhiệm đối với người đứng đầu; người đứng đầu phải thường xuyên nắm chắc số lượng, tiến độ giải quyết các loại vụ án, kịp thời chỉ đạo khắc phục khó khăn vướng mắc để thúc đẩy công tác xét xử nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật; tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 04/2020/CT-CA ngày 11/6/2020 của Chánh án TANDTC về nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong TAND, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự công cộng và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước…
Song song với đó, tập trung nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); coi đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng từ nay đến cuối năm 2020, để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.