Vụ án liên quan đến sự cố sụt lún tại dự án tái định cư Hòa Liên 3 -4 tại Đà Nẵng: Những bất cập cần được khắc phục
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:11, 10/09/2020
Bỏ lọt tội phạm?
Kết luận điều tra số 26/CSĐT-KT ngày 26/3/2020 quy kết 17 người công tác tại Sở Xây dựng Tp.Đà Nẵng và các nhà thầu nhận khảo sát, tư vấn thẩm định đã có các hành vi vi phạm. Cụ thể, những người này đã vi các quy định về xây dựng khi trực tiếp tham gia lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công dự án Khu TĐC Hòa Liên 3 và Hòa Liên 4 – giai đoạn 2 mà không có kết quả khảo sát địa chất… Tuy nhiên, Cơ quan điều tra lại không khởi tố để truy cứu trách nhiệm 17 người này mà chỉ đề nghị truy tố 3 người công tác tại Công ty THHH MTV VLXD –xây lắp kinh doanh nhà Đà Nẵng (nhà điều hành dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư hai dự án này là Sở Xây dựng Tp. Đà Nẵng- chỉ gián tiếp giúp sức cho 17 người trực tiếp có hành vi vi phạm nêu trên).
Sau đó, CQĐT và VKSND Tp.Đà Nẵng ban hành các quyết định tố tụng, thay đổi tội danh 3 người có trách nhiệm gián tiếp, trong đó có ông Nguyễn Tuấn Anh (nguyên Giám đốc Công ty THHH MTV VLXD –xây lắp kinh doanh nhà Đà Nẵng) từ “Tội thiếu trách nhiệm…” sang “Tội vi phạm các quy định về xây dựng…”, tách 3 người này ra khỏi vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với 17 người có trách nhiệm trực tiếp về vụ việc.
Mới nhất, Cáo trạng số 33/CT-VKS-P1 ngày 19/8/2020 của VKSND Tp.Đà Nẵng tiếp tục không đề cập 17 người có trách nhiệm trực tiếp và chỉ truy tố 3 người gián tiếp giúp sức.
Theo quy định của pháp luật, chủ thể của “Tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 298 BLHS 2015) phải là những người có chức năng, thẩm quyền trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng, mà ở vụ án này là 17 người đã trực tiếp tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép khảo sát và hồ sơ thiết kế thi công. Nên việc CQĐT ra quyết định thay đổi tội danh của 3 người gián tiếp giúp sức từ “Tội thiếu trách nhiệm…” sang “Tội vi phạm các quy định về xây dựng…” là chưa đủ cơ sở.
Hạ tầng Dự án Khu tái định cư Hòa Liên 3
Nếu việc chuyển tội danh này là đúng (theo nghĩa 3 người có trách nhiệm gián tiếp là đồng phạm) thì họ sẽ chỉ ở vị trí, vai trò đồng phạm giúp sức. Cho nên, khi Cơ quan điều tra xác định 17 người có trách nhiệm trực tiếp (tức là ở vị trí, vai trò đồng phạm là chủ mưu, tổ chức, thực hiện) là: “chưa đủ cơ sở để xác định tội phạm” thì cũng cần xác định 3 người gián tiếp ở vị trí vai trò đồng phạm giúp sức là “chưa đủ cơ sở để xác định tội phạm”.
Không chỉ bất cập về hình sự, việc Cáo trạng chỉ truy tố 3 người có trách nhiệm gián tiếp, còn 17 người trực tiếp, chịu trách nhiệm chính lại được tạm đình chỉ có thể dẫn tới việc truy tố, xét xử sẽ không thể phân định, cá thể hóa được trách nhiệm dân sự, bồi thường đối với hậu quả vụ án.
Cùng với đó, nếu có phân định, cá thể hóa trách nhiệm dân sự của 3 người này cũng không thể tách phần trách nhiệm dân sự của 17 người kia ra xử lý sau khi họ được xác định là “chưa đủ cơ sở để xác định tội phạm”, chưa bị khởi tố, quy buộc trách nhiệm gì. Việc này sẽ đưa 3 người có trách nhiệm gián tiếp không chỉ đối mặt nguy cơ phải chịu trách nhiệm quá nặng về hình sự mà còn sẽ chịu trách nhiệm dân sự thay cho 17 người có trách nhiệm trực tiếp.
Tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra có đúng quy định?
Về các quyết định tố tụng tách vụ án và tạm đình chỉ vụ án, khoản 2 điều 170 BLTTHS quy định: Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Thực tế trong vụ án này, cả 3 bị can sau khi thay bị đổi tội danh từ “Tội thiếu trách nhiệm…” sang “Tội vi phạm các quy định về xây dựng…” thì vụ án chỉ còn duy nhất 1 tội phạm với đủ cả 3 bị can, không còn tội phạm hay bị can nào nữa để điều tra. Bởi vậy không rơi vào trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm để ra quyết định tách vụ án.
Thêm nữa, theo quy định, chỉ tách vụ án sau khi đã có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can mà bị rơi vào tình trạng không thể hoàn thành sớm việc điều tra. Nên việc Quyết định số 02/CSĐT- KT ngày 04/7/2020 của CQĐT tách tất cả 3 bị can ra khỏi vụ án làm vụ án rơi vào tình trạng “khó hiểu”: Sau khi tách vụ án thì 3 bị can này nằm ở quyết định khởi tố vụ án nào (đặc biệt khi 6 ngày sau, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra chính vụ án mà CQĐT đã tách 03 bị can này ra khỏi) và việc tách vụ án được dựa trên cơ sở vụ án đã bị tạm đình chỉ điều tra đối với bị can nào ?.
Điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS quy định: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra...
Kết luận điều tra đã nêu chi tiết và quy buộc hành vi vi phạm pháp luật của 17 người có trách nhiệm trực tiếp (tức là đã làm việc, có đầy đủ lời khai của họ trong hồ sơ) thì rõ ràng không thuộc trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Thực tế, 6 ngày trước khi tách, vụ án vẫn có 3 bị can đã bị khởi tố, nên việc sau khi tách 3 bị can này ra không đồng nghĩa với việc vụ án chưa xác định được bị can để ra Quyết định số 10/CQĐT-KT ngày 10/7/2020 tạm đình chỉ điều tra.
Hơn nữa, cần phân biệt giữa tạm đình chỉ điều tra (Điều 229 BLTTHS- áp dụng trong trường hợp không xác định được bị can, hoặc không biết rõ bị can ở đâu – tức chưa khởi tố bị can) với tạm đình chỉ vụ án đối với bị can (Điều 247 BLTTHS- áp dụng trong trường hợp đã khởi tố bị can, song bị can bỏ trốn, cần chữa bệnh…).