Kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài

Chính trị - Ngày đăng : 17:38, 08/09/2020

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), diễn ra ngày 8/9.

 

Kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất

Phải có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía EC trong công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để chống khai thác cá trái phép, không báo cáo, không theo quy định.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi các khuyến nghị của phía EC.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Công tác kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, chưa bảo đảm độ tin cậy. Cơ chế phối hợp thực thi giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế so với số lượng vụ việc vi phạm, cũng như tính chất vi phạm. Tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý từ đầu năm 2020 đến nay có giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình thực tế còn rất phức tạp.

"Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đây đến cuối năm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo những vẫn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.

Trong đó, quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác xử lý hành vi khai thác IUU. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả triển khai chống khai thác IUU. Tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Thực hiện nghiêm chế tài xử phạt theo quy định

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chống lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước. Phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến, kiên quyết ngăn chặn các tàu cá không có giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm, có nhiều vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quốc tế trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm.

Bộ Ngoại giao tăng cường, thúc đẩy đàm phán ký kết phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Trước mắt, cần đề nghị phía bạn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản tại khu vực vùng biển đang chồng lấn, chưa được phân định giữa hai nước để làm cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân hai nước, không làm phức tạp tình hình khi bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực này; mọi tranh chấp vùng biển phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán ngoại giao giữa hai nước. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan kiên quyết đấu tranh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam khi bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý trái phép.

Các lực lượng thực thi pháp luật của các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung điều tra, xử lý nhanh chóng, kịp thời và thực hiện nghiêm chế tài xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung triển khai các quy định liên quan về chống khai thác IUU tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có kết quả trên thực tế.

Đổi mới, tái cơ cấu ngành thủy sản

Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó có nuôi trồng biển, do đó phải đổi mới, tái cơ cấu ngành.

“Không tái cơ cấu ngành thủy hải sản, đổi mới nâng cao đời sống người dân thì không xử lý được tận gốc vấn đề đánh bắt trái phép. Với bờ biển dài, ngành nuôi trồng cũng là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam không chỉ trong nội địa mà còn nuôi trồng biển. Tương lai phải hướng đến xây dựng đây là ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT tăng cường tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện, đề xuất khen thưởng các địa phương thực hiện tốt, phê bình các địa phương thực hiện chưa tốt, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.

Bộ TT&TT khẩn trương nghiên cứu phương án hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu cá lắp đặt, vận hành, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1063/TTg-NN ngày 12/8/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá theo quy định; tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trước hết bảo đảm đời sống, sinh kế của người dân; tổ chức thực hiện nhiệm vụ này thì các địa phương phải tập trung gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nỗ lực nhằm gỡ “thẻ vàng” cho đánh bắt cá Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15 m trở lên, đạt tỉ lệ 80,61%. Tuy nhiên, còn thực trạng rất nhiều tàu khi ra khơi gỡ bỏ thiết bị giám sát bỏ xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra chỗ khác để đánh bắt.

Về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đầu năm 2020 đến ngày 31/8, đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2019, giảm 53 vụ/89 tàu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị.

Cụ thể là đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, ban hành các nghị định thông tư, các văn bản pháp lí, rất nhiều hoạt động tích cực từ đăng kí tàu thuyền, lắp thiết bị định vị, kiểm soát... Công tác thực hiện có bước tiến triển rõ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương, từ công tác quản lí bến cảng, khai báo, tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc đều có nhiều cố gắng, có quyết tâm rất cao.

“Ủy ban châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. EC nói, nếu còn vi phạm thì kiên quyết không rút “thẻ vàng””, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

 

Xuân Lan