“Bê tông hóa” Cổng trời Đông Giang: Vết thương khó lành
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 11:22, 01/09/2020
Dự án trên đất rừng
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 295/QĐ-UBND về Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang trên diện tích khoảng 120ha đất rừng, trong đó có gần 20ha đất rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.
Dự án này có ranh giới quy hoạch phía Đông giáp với xã Kà Dăng, phía Tây giáp núi Coong A Lanh, phía Nam giáp đường ĐT609 và phía Bắc giáp núi Coong Our do Công ty Cổ phần Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (Tập đoàn FVG) làm chủ đầu tư với kinh phí đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Khi chưa có dự án, Cổng trời Đông Giang hoang sơ, kỳ thú giữa thiên nhiên hùng vĩ
Các hạng mục trong dự án gồm nơi đón tiếp, nhà điều hành, quảng trường cây xanh, địa điểm bán vé, nhà bia di tích lịch sử, chòi nghỉ chân, đài vọng cảnh, khu xử lý nước thải… Trung tâm dự án: khu dịch vụ sinh thái, khu dịch vụ du lịch văn hóa, lưu trú khách sạn, nhà hàng… Đây sẽ là khu du lịch sinh thái, lưu trú khoảng 100.000 khách/năm; tầng cao xây dựng từ 1-5 tầng; riêng 3 tháp vọng cảnh có tầng cao là 9, 10 và 13 (chiều cao tối đa 42m).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo lắng khi hàng trăm ha đất rừng Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, Quảng Nam sẽ bị “xẻ thịt”, giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã xác định hiện trạng, trạng thái rừng thuộc phạm vi dự án và khu vực xung quanh trước khi thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500), xác định hiện trạng đất rừng trong ranh giới dự án bao gồm: Quy hoạch rừng phòng hộ là 19,71ha, hiện trạng là chưa có rừng; quy hoạch rừng sản xuất là 16,99ha, hiện trạng rừng tự nhiên là 4,74ha, rừng trồng 5,91ha, đất chưa có rừng là 6,34ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 83,3ha, hiện trạng là rừng tự nhiên là 12,40ha, rừng trồng là 7,61ha và đất khác.
Chủ đầu tư khoan cắt vào tường đá vôi tại Cổng trời
Về rừng tự nhiên, tổng cộng diện tích rừng tự nhiên trong khu vực là 17,1ha, được giữ nguyên không tác động, không chuyển đổi mục đích sử dụng. Về diện tích quy hoạch rừng phòng hộ (trạng thái chưa có rừng), được xác định đúng theo quy hoạch 3 loại rừng là 19,71ha. Diện tích này đã được HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chuyển đổi theo đúng Luật Lâm nghiệp và thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chủ trương của tỉnh là thu hút phát triển du lịch ở vùng Tây Quảng Nam để kéo giãn du lịch phía Đông lên phía Tây, đồng thời tạo sinh kế cho đồng bào miền núi. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, mặc dù vậy nhưng tỉnh không ưu tiên thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải kiểm soát chặt mục đích chuyển đổi đất rừng, nhất là rừng tự nhiên; Bảo vệ sự đa dạng, sự nguyên vẹn về văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số.
Vết thương khó lành
Men theo đường mòn xuyên qua những vạt rừng, chúng tôi đã có chuyến khảo sát hầu khắp khu vực Dự án Cổng trời Đông Giang, dù đã được báo trước nhưng với các hạng mục công trình đang xây dựng nham nhở khiến chúng tôi không khỏi sững sờ. Không còn màu xanh ngút ngàn của đại ngàn Trường Sơn mà thay vào đó là loang lổ các vạt đồi bị san gạt, xẻ thịt lộ ra phần đất đỏ au như những vết thương đang “tóe máu” để giành mặt bằng cho các hạng mục như hàng lưu niệm, chòi nghỉ chân, hành lang đi bộ có mái che, đài vọng cảnh, bờ kè… Vẻ đẹp hoang sơ nơi này đang được thay thế bởi những công trình bê tông đồ sộ.
Dòng suối Bhơm Lom đã được thay thế bằng con đường bê tông xám xịt
Bên cạnh đó là những con đường bê tông trải dài gượng gạo dưới tán rừng thay thế cho những vạt cỏ xanh mướt, hay những vết cắt thô bạo vào thành núi đá vôi qua hàng triệu năm tích tụ nơi cửa hang để lấy chỗ cho những bức tượng vô tri vô giác do bàn con người tạo ra.
Dòng suối Bhơm Lom thơ mộng, nước trong veo đến kỳ lạ như tấm gương phản chiếu sự hùng vĩ của tạo hóa nơi này cũng được thay thế bằng con đường bê tông xám xịt nối từ nhà trưng bày vào xuyên “cổng trời” dài hàng trăm mét như mũi kiếm tàn bạo đâm xuyên vào cơ thể mẹ thiên nhiên.
Theo người dân, “Cổng trời” hay “Hang Gợp” là tên theo cách gọi của người dân địa phương. Nơi đây bao gồm một vòm núi đá vôi khổng lồ cấu tạo từ những ngọn thạch nhũ qua hàng trăm triệu năm nhỏ giọt tạo thành vòm cổng nối liền hai ngọn núi riêng biệt nằm giữa rừng rậm hoang sơ, dưới cổng có dòng suối Bhơm Lom chảy ngang qua, nơi đây được ví như cánh cổng vào rừng, hệt chốn thiên đường bồng bềnh mây núi.
Vẻ đẹp hoang sơ được thay thế bởi những công trình bê tông đồ sộ
Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước khi những khối bê tông thô kệch của Tập đoàn FVG chưa xuất hiện. Còn hiện nay, với hàng chục công trình đang được tiến hành thi công rầm rộ cùng với đủ các loại máy móc cơ giới, khiến cho cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nơi này đang từng ngày bị phá vỡ dần đi. Những ai đã từng đặt chân đến nơi này và cả người dân bản địa đều luyến tiếc bởi các công trình bằng bê tông làm phá vỡ khung cảnh yên bình, hùng vĩ, hoang sơ nơi đây.
Và Cổng trời Đông Giang một “cánh cổng” thiên nhiên hoàn toàn bằng đá đứng sừng sững, đầy mê hoặc với hệ thống hang động gồm nhiều hang lớn nhỏ do dòng nước chảy hàng triệu năm tạo thành, cùng rất nhiều gềnh thác, suối tự nhiên với làn nước xanh trong thấu đáy đã chịu nhiều tổn thương không còn giữ được nét đẹp hoang sơ vốn có.
Tất nhiên, thiên nhiên đẹp chưa chắc là hoang sơ, nguyên trạng… mà có thể cần có bàn tay con người tác động, nhưng đó phải là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc, quy hoạch với thiên nhiên. Cổng trời Đông Giang là của trời cho, con người không thể làm được và không bao giờ làm được, vậy nên những vết thương mà FVG gây ra có thể sẽ không bao giờ lành.
Những khối bê tông thô kệch giữa đại ngàn Trường Sơn