Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 10:39, 28/08/2020

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ và việc xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ đang được TANDTC lấy ý kiến góp ý.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ

Ảnh minh họa

Phạm vi điều chỉnh

Theo dự thảo lần 1, Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ; Hướng dẫn xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra; Hướng dẫn thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, chức vụ; Hướng dẫn giải quyết các giao dịch dân sự có liên quan; Hướng dẫn việc kiến nghị của Tòa án đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ.

Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản là trường hợp người phạm tội tham nhũng, chức vụ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản chiếm đoạt, của hối lộ, bồi thường ít nhất ba phần tư thiệt hại hoặc tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản bị chiếm đoạt, của hối lộ, bồi thường ít nhất ba phần tư thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm là sau khi phạm tội tham nhũng, chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

 Lập công lớn là người bị buộc tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

Về một số tình tiết định tội

Theo dự thảo, đã bị xử lý kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều 353, điểm a khoản 1 Điều 354 và điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là trường hợp trước đó một người đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, nhưng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực mà lại thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp người có một hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật trước khi cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, xử lý hình sự thì khi xét xử, Tòa án không được xác định trường hợp này là tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” theo các điều khoản tương ứng của Bộ luật Hình sự.

Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 353, điểm a khoản 1 Điều 354, điểm b khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về một trong các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, lạm quyền trong thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt:

 Trường hợp tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này (của dự thảo) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.

Trường hợp tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

 Lợi ích vật chất khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 354, điểm a khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích được định giá cụ thể, phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người (ví dụ: nhà cửa, phương tiện, công cụ, thiết bị, chi phí phục vụ nhu cầu con người…) mà người phạm tội có được hoặc sử dụng.

 Lợi ích phi vật chất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất (ví dụ: các danh hiệu, giải thưởng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện để người thân đi du học, tham quan; được quan hệ tình dục; được bầu, bổ nhiệm chức vụ; được nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài…) mà người phạm tội có được hoặc sử dụng.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 355 là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 358 là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái hoặc làm không đúng quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Vụ lợi quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Thiệt hại do hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ gây ra quy định tại các điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là những thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội gây ra, không bao gồm số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà người phạm tội đã hoặc sẽ chiếm đoạt. (Ví dụ: Nguyễn Văn A (là Thủ kho của Công ty B) có hành vi tham ô số thuốc phòng dịch trị giá 200.000.000 đồng làm toàn bộ số gia cầm trị giá 1.000.000.000 đồng của Công ty B bị chết do không có thuốc phòng dịch. Trong trường hợp này, phải xác định số tiền A chiếm đoạt là 200.000.000 đồng và thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội của A là 1.000.000.000 đồng).

Nam Phương