Kiểm tra thông tin hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" tại Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 20:44, 27/08/2020

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 19/8/2020 có bài viết: "Đất vàng" - Vì đâu mãi một điệp khúc... "bỏ hoang"? có phản ánh nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất... Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết...

Kiểm tra thông tin hơn 300 dự án

Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cụ thể nội dung bài viết, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã thông tin, trong một văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND TP. Hà Nội cho biết, tại Thủ đô có tới hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp các địa bàn quận, huyện, khiến bộ mặt Thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án, gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất…

Thực tế hiện nay, không ít dự án được quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”, khiến quỹ đất hoang hóa ngày một gia tăng, đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.

Trong đó, hàng loạt những dự án được dư luận chỉ mặt điểm tên như: dự án Thành phố công nghệ Xanh Hà Nội thuộc phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), do Công ty TNHH Thành phố công nghệ Xanh Hà Nội (Công ty đại diện pháp luật với chủ sở hữu Blenheim Vietnam) chủ sở hữu của dự án;

Mặc dù được UBND TP. Hà Nội chấp thuận Quy hoạch chi tiết 1/500 từ 2013, với diện tích đất thực hiện dự án khoảng 57,5 ha, quy mô dân số khoảng 4.000 người, tuy nhiên, đã hơn 6 năm trôi qua, dự án vẫn “bất động” với lý do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Hay, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty Xây dựng Licogi với diện tích hơn 35 ha tại quận Hoàng Mai, cũng là một trong những điểm “nóng” gây bức xúc cho dư luận vì vấn đề chậm tiến độ.

Dự án này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/9/2007, cho phép thực hiện thu hồi 351.618 m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai, để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng cùng năng lực tài chính trong cả quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư, nên đã khiến cho dự án liên tục lỡ hẹn thời gian “về đích”.

Đặc biệt, một trong những điểm “nóng” về hoang hóa, sử dụng sai mục đích “đất vàng” liên tục được dư luận nhắc tới trong thời gian vừa qua, chính là Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group) với việc chậm triển khai nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất, cùng với đó là việc sử dụng sai mục đích như làm sân bóng đá, gara ô tô,…

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất gồm lô B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, tuy nhiên, lý giải về thực trạng này, chủ sở hữu lại cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ này xuất phát từ chính quy trình quản lý, cấp phép từ UBND TP. Hà Nội.

Ngoài những hiện trạng đã nêu, thực tế hiện nay, rất nhiều khu “đất vàng” tại Thủ đô cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

Liên quan nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung Báo phản ánh trên.

Trọng Bằng