Các trường hợp tái nhiễm Covid-19 ở châu Âu gây lo ngại về khả năng miễn dịch

Chuyển động - Ngày đăng : 06:05, 26/08/2020

Ba bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 ở Hongkong và châu Âu khiến các nhà khoa học lo ngại về khả năng miễn dịch của vắc-xin Covid-19 tiềm năng.

Các trường hợp tái nhiễm Covid-19 ở châu Âu gây lo ngại về khả năng miễn dịch

Lấy mẫu xét nghiệm virus corona.

Hai bệnh nhân châu Âu được xác nhận là đã tái nhiễm virus corona, làm dấy lên lo ngại về khả năng miễn dịch của người dân đối với loại virus này khi thế giới vẫn đang phải vật lộn để chế ngự đại dịch.

Các trường hợp này, một ở Bỉ và một ở Hà Lan, được công bố sau một báo cáo trước đó của các nhà nghiên cứu ở Hongkong về một người đàn ông đã bị tái nhiễm với một chủng virus corona khác sau bốn tháng rưỡi khỏi Covid-19.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng virus corona lần thứ hai lây nhiễm cho một bệnh nhân nam 33 tuổi ở Hongkong có 24 nucleotide trong chuỗi gen của nó, khác với virus đã lây nhiễm cho anh ta lần đầu tiên cách đó khoảng bốn tháng rưỡi.

Điều này đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của các vắc-xin Covid-19 tiềm năng, đã giết chết hàng trăm nghìn người, mặc dù các chuyên gia cho rằng cần phải có thêm nhiều trường hợp tái nhiễm mới có thể khẳng định được điều này.

Nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst cho biết trường hợp người Bỉ là một phụ nữ nhiễm Covid-19 lần đầu tiên vào tháng 3 và sau đó lại nhiễm một dòng virus corona khác vào tháng 6. Nhiều trường hợp tái nhiễm có khả năng đã xuất hiện, ông nói.

Van Ranst nói rằng người phụ nữ này ở độ tuổi 50 có rất ít kháng thể sau lần nhiễm bệnh đầu tiên, mặc dù số kháng thể này có thể đã hạn chế được tình trạng nghiêm trọng của bệnh. Ông nói, các trường hợp tái nhiễm có lẽ chỉ là một số ít ngoại lệ, mặc dù còn quá sớm để nói và nhiều khả năng sẽ có thêm những trường hợp tái nhiễm trong những tuần tới.

Ông nói thêm rằng virus corona mới có vẻ ổn định và ít ảnh hưởng tới sức khỏe hơn, nhưng rõ ràng là nó đang thay đổi. “Virus đột biến và điều đó có nghĩa là một loại vắc-xin tiềm năng sẽ không phải là một loại vắc-xin tồn tại mãi mãi, trong 10 năm, thậm chí có thể không phải là 5 năm. Cũng như đối với bệnh cúm, vắc-xin sẽ phải được nghiên cứu phát triển lại khá thường xuyên”, ông nói.

Ông nói: “Chúng ta muốn virus không biến đổi, nhưng ta không thể ép buộc tự nhiên”.

Viện Y tế Công cộng Quốc gia ở Hà Lan cho biết họ cũng đã ghi nhận một trường hợp tái nhiễm ở Hà Lan.

Nhà virus học Marion Koopmans cho biết bệnh nhân là một người lớn tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch.

Bà cho biết những trường hợp bị bệnh do virus gây ra trong một thời gian dài và sau đó nó bùng phát trở lại được biết đến nhiều hơn.

Nhưng một trường hợp tái nhiễm thực sự - như trong các trường hợp ở Hà Lan, Bỉ và Hongkong – đòi hỏi phải được xét nghiệm di truyền của virus ở cả lần nhiễm đầu tiên và lần thứ hai để xem liệu hai trường hợp virus có khác nhau đôi chút hay không.

Van Ranst cho biết xét nghiệm như vậy cho thấy bệnh nhân người Bỉ đã nhiễm các chủng virus khác nhau.

Người phát ngôn của WHO, Margaret Harris, đã nói trong một cuộc họp ngắn của Liên hợp quốc tại Geneva về trường hợp tái nhiễm ở Hongkong rằng, trong khi các thông tin về việc tái nhiễm trước đó thỉnh thoảng đã xuất hiện, điều quan trọng là phải có tài liệu rõ ràng.

Một số chuyên gia nói rằng có khả năng những trường hợp như vậy đang bắt đầu xuất hiện vì xét nghiệm đã được thực hiện nhiều hơn trên toàn thế giới, hơn là vì virus có thể lây lan theo cách khác.

Tuy nhiên, Tiến sĩ David Strain, giảng viên cao cấp về lâm sàng tại Đại học Exeter và là Chủ tịch Ủy ban nhân viên y khoa của Hiệp hội Y khoa Anh, cho biết các trường hợp này đáng lo ngại vì một số lý do. “Đầu tiên là nó cho thấy rằng kháng thể được tạo ra trong lần nhiễm virus trước đó đã không có khả năng bảo vệ”, ông nói. "Thứ hai là nó làm tăng khả năng rằng việc tiêm chủng có thể không mang lại điều mà chúng ta đang mong đợi."

Trâm Anh (theo Reuters)