Bắc Giang: Ồ ạt khai thác than, nguy cơ xóa sổ đất rừng

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:53, 24/08/2020

Thời gian qua, với việc khai thác than rầm rộ của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang tại xã Đông Sơn, Yên Thế đã khiến một diện tích lớn đất rừng trồng sản xuất theo Quyết định 147 của Thủ tướng có nguy cơ bị xóa sổ, đẩy người dân vào cảnh điêu đứng.

Báo Công lý nhận được thông tin phản ánh của ông Nguyễn Văn Thụ, thôn Điền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang về việc phần đất rừng sản xuất của gia đình đang sử dụng bị Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang (đơn vị khai thác mỏ than Bố Hạ) lấn chiếm để khai thác than.

Theo phản ánh, gia đình ông Thụ là hộ trồng rừng theo Quyết định 147 của Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất từ năm 2007-2015 tại xã Đông Sơn. Ngày 21/4/2017, trong quá trình khai thác than tại mỏ Bố Hạ, Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang đã có buổi làm việc với gia đình ông Thụ xin mượn phần đất rừng đang trồng cây để làm đường vận chuyển đất đá. Ông Thụ đã đồng ý. Biên bản có sự xác nhận của UBND xã Đông Sơn, Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang là ông Nguyễn Thế Điện, ông Nguyễn Văn Đức đại diện Công ty TNHH MTV Xuân An.

Bắc Giang: Ồ ạt khai thác than, nguy cơ xóa sổ đất rừng

Biên bản thỏa thuận mượn đất để làm đường vận chuyển của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang với người dân

Biên bản làm việc giữa ông Thụ và công ty thể hiện: “Để bảo đảm tiến độ sản xuất của Đội số 6 theo yêu cầu của TGĐ Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang, Đội số 6 nhận thấy trong quá trình vận chuyển đất đá chật hẹp. Với lý do đó, Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang, Xí nghiệp Khai thác than Bố Hạ có trao đổi và thống nhất với ông Thụ giải phóng một số cây bạch đàn do ông Thụ trồng để bảo đảm quá trình vận chuyển. Xí nghiệp thống nhất với ông Thụ để xe, máy đi nhờ qua khu vực bài cây của ông Thụ”.

Biên bản có sự thống nhất, ký của các bên, chứng kiến của UBND xã Đông Sơn. Tuy nhiên, sau đó, theo phản ánh của ông Thụ, công ty này ngang nhiên cho rằng, phần diện tích xin “đi nhờ” là đất khai thác khoáng sản của đơn vị đã được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê theo Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 01/02/2018 và không trả lại phần đất. Vì vậy, hai bên xảy ra tranh chấp khiến ông Thụ phải gửi đơn kiến nghị tới UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan thông tin, báo chí. Tới nay, sự việc đã kéo dài nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc.

Qua phản ánh, ông Thụ còn cho biết, ngày 20/12/2019, tại trụ sở UBND xã Đông Sơn, khi được người dân yêu cầu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang còn không cung cấp được tài liệu chứng minh đã nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản có diện tích là 487.103m2 ghi trong Quyết định 96 ngày 01/02/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang.

“Phía Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang cung cấp thêm 01 biên bản làm việc với UBND xã Đông Sơn ngày 20/12/2019 có nội dung: “Công ty chưa tổ chức chỉ dẫn ranh giới đất đã được cho thuê với chính quyền địa phương các xã có mỏ đóng trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh” – ông Thụ cho biết.

Bắc Giang: Ồ ạt khai thác than, nguy cơ xóa sổ đất rừng

Hiện trường khai khoáng của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang ngay sát đồi trồng cây (ảnh người dân cung cấp)

Trong khi đó, giấy phép khai thác khoáng sản số 2956 ngày 22/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang, tại khoản 4, Điều 2 quy định rõ: Trước khi khai thác, công ty phải báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác, cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác; phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, giấy phép còn yêu cầu công ty phải thường xuyên kiểm soát khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ và các khu vực có liên quan...Trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo cho cơ quan chức năng.

Giấy phép khai thác do Bộ TN&MT cấp cho Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang còn quy định công ty chỉ được phép khai thác sau khi thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan ghi trong giấy phép.

Tuy nhiên, ông Thụ cho biết, công ty chưa xác định được ranh giới, tọa độ cụ thể, đang tranh chấp nhưng đã khai thác rầm rộ, trong khu rừng sản xuất của gia đình khiến sạt lở, đất đá và cây cối, không thể tiếp tục canh tác gây thiệt hại kinh tế. Vậy nhưng công ty không hề có biện pháp dừng thi công, báo cáo hướng giải quyết.

Bắc Giang: Ồ ạt khai thác than, nguy cơ xóa sổ đất rừng

Phần đất đồi của người dân để phát triển rừng đang bị khoét sâu để phục vụ khai thác (ảnh người dân cung cấp)

“Đặc biệt, công ty còn không xuất trình được bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản, do đó không xác định được diện tích đất có tranh chấp. Công an huyện Yên Thế đã lập biên bản sự việc tranh chấp này nhưng công ty vẫn tổ chức khai thác”, ông Thụ cho biết thêm.

Liên quan tới vi phạm tại mỏ than Bố Hạ trước đó, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật khoáng sản, bảo vệ môi trường và chỉ ra nhiều vi phạm.

Cụ thể, tại Văn bản số 3233/ĐCKS-KSMB ngày 19/11/2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang dừng ngay hoạt động đổ thải và chỉ đổ thải tại 2 bãi thải ngoài sau khi được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê đất theo quy định.

Bắc Giang: Ồ ạt khai thác than, nguy cơ xóa sổ đất rừng

 Văn bản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam 

Công ty phải dừng hoạt động khai thác dưới chân tại các vị trí có hiện tường chập tầng, góc dốc và chiều cao tầng lớp gây mất an toàn trong khai thác mỏ; chỉ được phép khai thác trở lại sau khi đưa khu vực mỏ về trạng thái an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, công ty này lại đang bị phản ánh về việc làm sạt lở nghiêm trọng tài sản của công dân.

Để làm rõ những thông tin này, phóng viên Báo Công lý đã thông tin phản ánh ý kiến của công dân tới ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND  tỉnh Bắc Giang và ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Qua trao đổi, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận ý kiến và cho biết bước đầu nắm được thông tin. Vụ việc có dấu hiệu phức tạp đang chỉ đạo Sở TN&MT làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Trước thực trạng sinh kế bị ảnh hưởng, đất rừng sản xuất có nguy cơ bị tàn phá tranh chấp giữa công dân và Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang kéo dài, gây dư luận xấu, đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm có những chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận để người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Thái Bình - Thế Hoàng