13 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ phản đối việc Mỹ thúc đẩy trừng phạt Iran

Chuyển động - Ngày đăng : 15:34, 22/08/2020

Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc thế giới nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Tổng thống Donald Trump đã mô tả đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng có” và rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

13 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ phản đối việc Mỹ thúc đẩy trừng phạt Iran

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc Iran bị cáo buộc không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và kêu gọi khôi phục các lệnh trừng phạt chống lại Iran tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Ngày 20 tháng 8 năm 2020. 

Trong 24 giờ kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã kích hoạt đếm ngược 30 ngày để khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí, các đồng minh lâu năm Anh, Pháp, Đức và Bỉ cũng như Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Nam Phi, Indonesia, Estonia và Tunisia đã viết thư phản đối.

Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc thế giới nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Tổng thống Donald Trump đã mô tả đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng có” và rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Các nhà ngoại giao cho biết Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác khó có thể tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm thứ Sáu một lần nữa đã cảnh báo Nga và Trung Quốc không nên phản đối việc khôi phục các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran.

Ngày 20/8, Hoa Kỳ đã hành động sau khi Hội đồng Bảo an kiên quyết từ chối đề nghị của họ vào tuần trước về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sau khi hết hạn vào tháng 10. Chỉ có Cộng hòa Dominica tham gia với Washington bỏ phiếu đồng ý. Cộng hòa Dominica vẫn chưa viết thư cho hội đồng để nêu quan điểm của mình về việc khôi phục lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/8 đã tới trụ sở Liên hợp để chính thức kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, với lý do Tehran “không tuân thủ một cách đáng kể” những điều khoản của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân do Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký kết năm 2015. Bước đi này được cho có thể phá hủy hoàn toàn JCPOA.

Mỹ quyết định tiến hành bước đi trên sau khi không được Hội đồng Bảo an (HÐBA) thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp ngày 14/8 vừa qua. Lệnh cấm vận này sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới.

“Quy trình đảo ngược” cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 có quyền đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu như Tehran không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận. Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HÐBA sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không. Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.

Theo quy trình mà Washington đã kích hoạt, có vẻ như tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ được áp dụng lại vào lúc nửa đêm GMT (8 giờ tối theo giờ New York) vào ngày 19/9 - chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, thường niên - cuộc họp phần lớn sẽ diễn ra trực tuyến vì đại dịch Covid-19.

Trong tuyên bố chung hôm 20/8, 3 nước châu Âu gồm Pháp, Ðức và Anh cho rằng Mỹ không có quyền hợp pháp để kích hoạt “quy trình đảo ngược” do Washington đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018. “Chúng tôi không thể ủng hộ hành động này. Nó không phù hợp với nỗ lực giữ gìn JCPOA hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên HÐBA kiềm chế bất kỳ hành động nào gây chia rẽ sâu sắc trong HÐBA hoặc có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với công việc của họ” - Pháp, Ðức và Anh tuyên bố.

Trâm Anh (theo Reuters)