TANDTC nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ
Tiêu điểm - Ngày đăng : 14:38, 19/08/2020
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Các thành viên Hội đồng gồm: TS. Phạm Công Bảy, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III TANDTC; ThS. Nguyễn Xuân Thiện, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I TANDTC; TS. Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.
Đề tài do ThS. Nguyễn Thị Mai, nguyên Chánh án TAND thành phố Hải Phòng làm chủ nhiệm; ThS. Dương Văn Chính, Phó Chánh án TAND thành phố Hải Phòng làm Phó chủ nhiệm.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Mai, chủ nhiệm đề tài đã báo cáo vắn tắt trước Hội đồng về tính cấp thiết của đề tài; Tình hình nghiên cứu đề tài; Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu... làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về "Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp".
Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC đánh giá về đề tài khoa học
Theo đó, trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, TAND cấp tỉnh trong cả nước đã có nhiều cố gắng, hàng năm thụ lý, giải quyết xét xử 46.000 vụ việc các loại. Việc giải quyết xét xử các loại án của TAND cấp tỉnh về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết xét xử các loại án thuộc thẩm quyền của các Tòa án cấp tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế thiếu sót, khuyết điểm. Số lượng các bản án, quyết định bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán TAND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong các cấp Tòa án và cao hơn nhiều so với TAND cấp huyện. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều Thẩm phán còn lúng túng trong việc điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, điều khiển phiên tòa thiếu dân chủ, khách quan, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp;...
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TANDTC- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC đánh giá cao đề tài mang tính khoa học cấp Bộ
Yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử các loại án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước, TANDTC đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ thực trạng về chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh và yêu cầu của Đảng về cải cách tư pháp, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của các cấp Tòa án nói chung và chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh nói riêng trong thời gian tới cho thấy cần phải nghiên cứu, đánh giá chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh, tìm ra nguyên nhân, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những yếu tố quyết định, những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, để từ đó đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những bất cập đó, có những giải pháp đào tạo, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác xét xử của Tòa án...
Đề tài nhằm nghiên cứu, đánh giá toàn diện cả về lý luận và thực tiễn; các yếu tố quyết định, các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là hết sức cần thiết.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, sau khi nghe báo cáo tóm tắt đề tài, các nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC đã cho đánh giá phản biện và góp ý nhằm hoàn thiện đề tài để trình lên cấp Bộ. Nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá đây là đề tài có sự đầu tư nghiên cứu rất sâu, đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học TANDTC chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu đề tài khoa học
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TANDTC - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã ghi nhận và đánh giá cao giá trị thực tiễn của đề tài. Đề tài mang tính khoa học, lô gic, có tính khái quát cao, đáp ứng yêu cầu một đề tài cấp Bộ, có giá trị cho những cán bộ, Thẩm phán trong hệ thống TAND nghiên cứu, áp dụng...
Đặc biệt, đề tài có ý nghĩa to lớn đối với thực tiễn tư pháp nói chung và thực tiễn công tác xét xử các loại vụ án tại TAND cấp tỉnh. Đóng góp những đề xuất trực tiếp phục vụ công tác xét xử; công tác tổ chức xét xử và trong công tác đào tạo, bổi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp.
Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học TANDTC đã nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc đề tài "Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của TAND cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp" của nhóm tác giả.