Số hóa giáo dục: Giải pháp nào cho ngành giáo dục thời COVID-19?
Giáo dục - Ngày đăng : 13:01, 19/08/2020
Sáng 19/8, Facebook kết hợp cùng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Số hóa giáo dục thời COVID - Giải pháp Facebook hiệu quả cho ngành giáo dục”.
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn đang tiếp tục tàn phá cuộc sống an bình của toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực đời sống của loài người, hội thảo nhằm nhằm hỗ trợ các nhà trường và doanh nghiệp giáo dục nhanh chóng thích ứng với những thay đổi dưới tác động của COVID-19, đồng thời tận dụng sức mạnh công nghệ để sẵn sàng cho mùa tựu trường đang đến gần. Bên cạnh đó, hội thảo cập nhật những hiểu biết chuyên sâu về sự thay đổi hành vi của phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng của COVID, những xu hướng mới trên thị trường giáo dục cũng như đưa ra các nhóm giải pháp hiệu quả giúp nhà trường kết nối với học sinh, sinh viên, đặc biệt trong mùa tuyển sinh.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh. Xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến, trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành Công nghệ giáo dục (edtech) có sự phát triển bùng nổ và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt. Theo một khảo sát của Comscore, từ tháng 1 tới tháng 2 năm 2020, số lượt xem hàng tháng của các trang web giáo dục đã tăng hơn gấp đôi (103%), và tăng gần gấp 3 (292%) với các trang web về giáo dục dành cho trẻ em và phụ huynh.
Cùng với những thay đổi trong thói quen dạy và học, kỳ vọng về quá trình hiện đại hoá và công nghệ hoá trong ngành giáo dục của phụ huynh và học sinh cũng ngày một tăng. Khảo sát HolonIQ 2020 thực hiện vào tháng 3 năm 2020 cho thấy việc sử dụng nhiều công nghệ mới là một trong những chiến thuật phát triển phổ biến nhất cho các doanh nghiệp giáo dục sau giai đoạn COVID (trừ mô hình nhà trẻ). Điều này được đánh giá quan trọng hơn cả một số yếu tố cốt lõi trước đây, như đầu tư vào sản phẩm mới, thị trường, hay phương thức hoạt động.
GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh chụp màn hình
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXHNV) cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, cách đây 4 năm, trường ĐHKHXHNV đã xây dựng Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, tổ chức nhiều hội thảo về các vấn đề nóng như “Phát ngôn gây thù ghét”, tư vấn cho Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”…
Bên cạnh đó, trường ĐHKHXHNV cũng đã chủ động thay đổi hình thức dạy và học, kết hợp giữ hình thức Online và cả hình thức Blended learning. Với sự hỗ trợ của Facebook, nhà trường đã đưa học phần “Năng lực số” “Digital Literacy” vào chương trình đào tạo cử nhân “Quản lý thông tin”. Mới đây nhất, vào tháng 12/2019, 17 cán bộ của trường đã được mời sang trụ sở của Facebook tại Singapore để tham dự khóa Tập huấn về các kỹ năng sử dụng mạng xã hội.
“Sau cuộc hội thảo khởi động hôm nay, trường ĐHKHXHNV sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động góp phần tăng cường “năng lực số” cho các cơ sở giáo dục đào tạo và những người quan tâm. Tôi tin rằng, việc hợp tác với một tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu như Facebook sẽ giúp chúng ta tiếp tục đổi mới sang tạo không chỉ vì họ nắm trong tay các giải pháp công nghệ sáng tạo nhất, mà còn có những kinh nghiệm quốc tế với số lượng hơn 3 tỷ khách hàng trên toàn cầu”, GS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ.
Được biết, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được sự quan tâm và đăng ký tham gia của hơn 800 đại diện các tổ chức giáo dục trên cả nước. Tại buổi hội thảo này, các chuyên gia từ Facebook đã tham gia giải đáp các thắc mắc của các đại diện đến từ các trường, các tổ chức giáo dục, cung cấp cho họ những kinh nghiệm để tạo sự hiện diện trực tuyến, kết nối và xây dựng cộng đồng phụ huynh và học sinh thông qua các ứng dụng và giải pháp hoàn toàn miễn phí như Facebook Live, Facebook Group, Messenger, Rooms…. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được tư vấn về các chiến lược và giải pháp truyền thông cụ thể cho từng mô hình hoạt động, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing hiệu quả.
Ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường Việt Nam tại Facebook. Ảnh chụp màn hình
Ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường Việt Nam tại Facebook cho biết: “Với hệ sinh thái các ứng dụng đa dạng, Facebook rất vinh dự khi được đóng góp vào việc hỗ trợ giáo dục và có cơ hội được đem đến những giải pháp công nghệ giúp nhà trường thích ứng với sự thay đổi ngành giáo dục giai đoạn trong và sau COVID-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà trường để cùng nhau xây dựng nên những chiến lược đa kênh dài hạn trong tương lai cho ngành giáo dục tại Việt Nam.”
Đại dịch COVID mang đến những thách thức cho ngành giáo dục nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội và động lực để các đơn vị giáo dục thử nghiệm những cách làm mới, nắm bắt lợi ích to lớn của công nghệ và thích ứng với sự chuyển dịch số trong ngành. Trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiếp diễn, công nghệ chính là chìa khóa giúp các đơn vị giáo dục vượt qua khó khăn và phát triển lâu dài.
“Chúng ta phải đào tạo một thế hệ công dân số. Đó sẽ là những công dân không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà còn có ý thức, thái độ, hành vi tốt. Trong kỷ nguyên số và công nghệ, thái độ, hành vi cũng quan trọng không kém, thậm chí là còn quan trọng hơn trình độ, bởi vì chính thái độ và hành vi sẽ định hình nhân cách của mỗi công dân”, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.