Hải Dương: Giám đốc Sở Y tế cấp chứng chỉ khám, chữa bệnh trái quy định?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:13, 18/08/2020
Những năm trở lại đây, tình trạng các sinh viên Việt Nam học tập y khoa tại nước ngoài rồi trở về Việt Nam hành nghề không còn là “của hiếm”. Tuy nhiên, đối với ngành y vì liên quan tới tính mạng con người nên chất lượng đào tạo chứ không phải số lượng được ưu tiên hàng đầu. Chính vì lẽ đó, Bộ Y tế đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với các sinh viên tốt nghiệp y khoa học tập tại nước ngoài nhằm “sát hạch” chuyên môn tránh những sai sót phải trả giá bằng tính mạng của người bệnh.
Tuy nhiên, theo phản ánh, tại tỉnh Hải Dương, một số trường hợp tốt nghiệp cử nhân y khoa ở nước ngoài về có dấu hiệu chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.
Sở Y tế Hải Dương
Đơn cử trường hợp của ông Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1987, từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, TP Hải Dương. Ông Hùng tốt nghiệp cử nhân y học chuyên ngành Y học lâm sàng Đông Tây y tại Đại học Trung y dược Quảng Tây, Trung Quốc vào năm 2012.
Sau khi về nước, ông Hùng tiếp tục đi học định hướng chuyên khoa và được cấp một số chứng chỉ khác nhau như: Chứng chỉ định hướng chuyên khoa Nội tại Trường Đại học Y Hà Nội …
Ngày 05/7/2016, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương là ông Phạm Mạnh Cường đã cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh số 0006712/HD-CCHN cho ông Nguyễn Đức Hùng với văn bằng chuyên môn là bác sĩ, phạm vi hoạt động là: Khám, chữa bệnh nội khoa.
Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh thì một sinh viên tốt nghiệp cử nhân y khoa do nước ngoài cấp sẽ được hành nghề tại Việt Nam khi đáp ứng được một số quy định, trong đó có điều kiện quan trọng sau: Văn bằng y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp với thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã ký cấp chứng chỉ cho ông Hùng khi bằng tốt nghiệp của vị bác sĩ này còn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam công nhận là bằng đại học. Cụ thể: Ngày 14/06/2018, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ký công nhận văn bằng tốt nghiệp y khoa của ông Nguyễn Đức Hùng học tại Trường Đại học Trung y dược Quảng Tây, Trung Quốc là bằng đại học. Thế nhưng trước đó gần 2 năm, ngày 05/7/2016, ông Phạm Mạnh Cường đã ký cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Hùng.
Chứng chỉ hành nghề của ông Nguyễn Đức Hùng được Sở Y tế cấp ngày 5/7/2016 do ông Phạm Manh Cường ký
Sau khi có những phản ánh, ngày 07/08/2020, Sở Y tế có văn bản số 1684/SYT-QLHN báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một số người tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Đức Hùng, Sở Y tế Hải Dương cho rằng: “Ông Hùng đã tốt nghiệp năm 2012, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là bằng đại học. Sau đó, ông Hùng về Việt Nam học định hướng chuyên ngành nội khoa 1 năm do Đại học Y Hà Nội cấp tháng 12/2015. Sau khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì được cấp giấy xác nhận thực hành là bác sĩ khám, chữa bệnh nội khoa”.
Mặc dù thông tin quá trình cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Hùng đúng trình tự nhưng Sở Y tế liệu có trả lời theo kiểu “lập lờ” không thông báo chi tiết thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng tốt nghiệp cho ông Hùng năm 2018 nhưng Sở đã cấp chứng chỉ năm 2016 nhằm “qua mặt” các cơ quan chức năng?
Không chỉ có vậy, văn bản của Sở Y tế Hải Dương do ông Phạm Mạnh Cường ký gửi còn viện dẫn: “Căn cứ điểm b, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế Hải Dương đã cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh số 0006712/HD-CCHN ngày 05/07/2016 với văn bằng bác sĩ và phạm vi chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh nội khoa là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”.
Đến đây, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đang “cố tình” trả lời theo kiểu “bao biện” cho cái sai của chính mình. Bởi Điều 5, Nghị định 109/2016 của Chính phủ nêu rất rõ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu với người Việt Nam. Trong đó, đối với văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học. Đối với trường hợp ông Hùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công nhận trình độ đại học nhưng năm 2016, ông Cường đã ký cấp chứng chỉ hành nghề y khoa.
Bộ GD&ĐT công nhận bằng tốt nghiệp cử nhân y khoa của ông Hùng là bằng đại học năm 2018.
Bên cạnh đó, trong văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Sở Y tế Hải Dương còn viện dẫn căn cứ pháp lý Nghị định 109/2016 để khẳng định mình làm đúng. Tuy nhiên, Sở Y tế Hải Dương khi cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Hùng ghi rõ dựa vào Luật Khám chữa, bệnh năm 2009, Nghị định 87/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, không hề căn cứ vào Nghị định 109 nhưng vẫn nêu ra để viện dẫn báo cáo. Trong khi, Nghị định 109/2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, trước 5 ngày khi ông Cường ký cấp chứng chỉ cho ông Hùng nhưng bị bỏ qua, không được áp dụng.
Phóng viên Báo Công lý cũng đã đến liên hệ với Sở Y tế Hải Dương nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế cần có những chỉ đạo quyết liệt sớm thanh, kiểm tra để làm rõ những sai phạm, tránh những bức xúc kéo dài trong đời sống nhân dân. Đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương cũng cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi để xảy ra sự việc trên.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.