Hội đồng Bảo an bác bỏ đề xuất của Mỹ gia hạn cấm vận vũ khí Iran
Chuyển động - Ngày đăng : 16:48, 15/08/2020
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Hôm 14/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran do Mỹ đề xuất vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới.
Theo ông Dian Trianshah Jani, đại diện thường trực của Indonesia tại Liên hợp quốc, Mỹ và Cộng hòa Dominic bỏ phiếu thuận, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, 11 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng.
Bình luận về kết quả cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Hội đồng Bảo an đã bác bỏ dự thảo nghị quyết hợp lý nhằm gia hạn lệnh cấm vận kéo dài 13 năm nhằm vào Iran. Điều này sẽ cho phép họ mua bán vũ khí thông thường mà không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Liên hợp quốc”.
Ông Pompeo cũng cho rằng, Hội đồng Bảo an “đã không cam kết với sứ mệnh cơ bản của mình” là duy trì hòa bình và an ninh.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hứa sẽ tiếp tục làm việc để ngăn chặn việc tự do mua bán vũ khí “đe dọa trái tim châu Âu, Trung Đông và thế giới nói chung”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Cố vấn An ninh Nhà Trắng Robert O'Brien cho biết phản ứng của Anh, Pháp và Đức là “đáng thất vọng nhưng không bất ngờ”. Ông O’Brien khẳng định việc này “vẫn chưa kết thúc”.
Theo dự thảo nghị quyết được Mỹ đưa ra, lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ được gia hạn "cho đến khi Hội đồng Bảo an có quyết định khác". Dự thảo cần 9 phiếu thuận để được thông qua; tuy nhiên ngay cả khi có đủ số phiếu này, nó vẫn có thể bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Các nhà phân tích cho rằng, quyết định của Hội đồng Bảo an nhiều khả năng sẽ khiến chính quyền Tổng thống Trump gia hạn lệnh cấm vận đơn phương nhằm vào Tehran.
Một loại tên lửa của Iran
Hội đồng Bảo an từ năm 2006-2010 đã thông qua ba nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Tehran xuất khẩu vũ khí, cũng như cấm các nước bán vũ khí thông thường cho quốc gia này.
Lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 13 năm sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp và Mỹ, ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy các biện pháp trừng phạt.
Dự thảo nghị quyết vừa bị bác bỏ đã đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đưa ra quyết định, theo đó một số điều khoản của Nghị quyết 2231 đã được thông qua trước đó (quy định việc thành lập JCPOA), bất kể thời hạn hiệu lực cụ thể của chúng, “sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến khi Hội đồng Bảo an có quyết định khác”.
Nghị quyết bị bác bỏ cũng đề xuất đưa ra một điều khoản vô thời hạn (cho đến khi Hội đồng Bảo an có quyết định khác) bắt buộc các nước áp dụng hạn chế nhập cảnh đối với những người vi phạm các quy định liên quan đến xuất khẩu vũ khí cho Iran.