Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Tránh bỏ sót các dự án có tác động đến môi trường
Chính trị - Ngày đăng : 18:46, 12/08/2020
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Phải rà soát thêm để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và cũng tránh bỏ sót các dự án có tác động đến môi trường
Sáng ngày 12/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trình bày Báo cáo về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.
Về vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo 02 phương án. Phương án 1 là phương án Chính phủ trình: Tại Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội Kỳ họp thứ 9 có bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện, trong khi đó Luật BVMT năm 2014 chưa có quy định này.
Phương án 2 là phương án tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, được thể hiện tại Điều 30 “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” của dự thảo Luật dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, phương án này có ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ và các thủ tục môi trường khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án 2. Tuy nhiên, thực hiện phương án 2, cũng như phương án 1, phải sửa một số quy định liên quan đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Luật Đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến thay cụm từ “đánh giá tác động sơ bộ về môi trường” (Khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công) thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” (Khoản 6 Điều 30) của dự thảo Luật mới.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, các dự án đầu tư công do Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định đầu tư đều phải có đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta cũng bỏ sót rất nhiều dự án có tác động hết sức nguy hiểm đến môi trường do tư nhân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Lần này, chúng ta chuyển theo hướng bảo đảm Luật Bảo vệ môi trường là đạo luật thống nhất về những vấn đề cơ bản liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có việc xác định tiêu chí về tác động môi trường như thế nào để phân định ra được tác động môi trường rất lớn, tác động môi trường trung bình và tác động môi trường ở mức độ thấp.
Tiêu chí tác động môi trường dựa trên cơ sở khoa học, dựa trên các chỉ số đánh giá của 2 nhóm, đó là nhóm liên quan đến chất thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và nhóm liên quan đến hoạt động dự án chiếm dụng đất đai, chiếm dụng các diện tích rừng tự nhiên ảnh hưởng đến da dạng sinh học, dòng chảy và biến đổi khí hậu, tập trung vào những khu dân cư nhạy cảm.
"Bản chất là như vậy, không phải chỉ có thay đổi mỗi từ sơ bộ". Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, trong quá trình soạn thảo dự án Luật vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tiến hành tham chiếu với hệ thống pháp luật về đánh giá tác động môi trường, đưa ra những quy định liên quan đến bảo vệ môi trường từ các luật tản mạn vào hệ thống và tính toán lại theo một nguyên tắc khoa học.
"Điều này đảm bảo để chúng ta có một bộ luật không phân tán, không chia cắt, bảo đảm tính xuyên suốt và đồng bộ, đồng thời, phân biệt giữa Luật Bảo vệ môi trường với các luật thành phần hoặc là những luật chung", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đồng tình với phương án thứ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, thực sự rất khó để biết dự án nào là xấu hay tác động cao, thấp tới môi trường ngay từ đầu, do đó, cần có đánh giá tác động môi trường. Nêu quan điểm để làm một dự án, phải có đánh giá môi trường, lần đầu là đánh giá sơ bộ, sau đó, tùy điều kiện sẽ đánh giá sâu hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cũng đề nghị nên theo phương án 2, trong đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; nếu dự án tác động đến vấn đề an ninh quốc phòng thì Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cùng tham gia vào.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một bước rất cần thiết để xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi có quyết định đầu tư hoặc là có cho phép đầu tư một dự án hay không. Tuy nhiên, để tránh xung đột, Chính phủ quy định chỉ đánh giá tác động môi trường với nhóm 1 còn theo Luật Đầu tư công thì tất cả những công trình đầu tư công đều phải đánh giá sơ bộ. Luật Đầu tư cũng quy định phải có đánh giá sơ bộ nhưng dự thảo Luật lại chỉ đánh giá đối với nhóm 1, tức là nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, phải rà soát thêm để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và cũng tránh bỏ sót các dự án có tác động đến môi trường. "Như thế nào là tác động lớn, như thế nào là tác động xấu hay tất cả các công trình đều phải đánh giá? Tôi đề nghị tiếp tục cân nhắc, đánh giá thêm và có thể đưa ra 2 phương án để thảo luận kỹ hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.