Quy trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự được thực hiện như thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:53, 09/08/2020
“Tôi tên là N, ngày 17/09/2019 tôi đã nộp đơn khởi kiện và các hồ sơ tài liệu kèm theo tại tòa án nhân dân quận Cầu Giấy để yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên đến ngày 30/09/2019 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy có thông báo chuyển đơn khởi kiện của tôi lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Sau đó đến ngày 16/01/2020 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội lại tiếp tục ra thông báo chuyển đơn khởi kiện của tôi xuống Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Đến ngày 14/07/2020 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy ra thông báo yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện. Tôi đã thực hiện việc sửa đổi đơn như yêu cầu và nộp lại đơn khởi kiện nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có thông tin gì mặc cho tôi có gửi đơn khiếu nại đến tòa án. Hiện tại tôi đang rất lo lắng về điều này. Xin hãy cho tôi được biết về quy trình tiếp nhận, xử lý đơn và thụ lý vụ án”
Độc giả Vũ Phương Thu, Hà Nội
Dựa trên căn cứ và thông tin bạn đọc nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau:
Hiện nay, quy trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự được quy định tại chương XII BLTTDS 2015 về Khởi kiện và thụ lý vụ án.
Thứ nhất, về thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện
Căn cứ quy định tại điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trong trường hợp người khởi kiện nộp đơn bằng dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc tòa án phải có thông báo nhận đơn của người khởi kiện.
Khi nhận đơn khởi kiện, trong thời hạn 03 ngày làm việc Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Và sau 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công xem xét đơn khởi kiện thì Thẩm phán được giao xem xét đơn buộc phải ra một trong các quyết định được quy định trong khoản 3 điều 191 dưới hình thức văn bản. Như vây, trong thời hạn để giải quyết việc tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện thông thường sẽ mất khoảng 10 ngày.
Thứ hai, về thủ tục thụ lý vụ án dân sự
Hiện nay quy trình thủ tục thụ lý vụ án dân sự được quy định tại các điều 195, 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo quy định của điều 195 và điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì khi tòa án nhận thấy có đủ thẩm quyền để giải quyết vụ án thì phải báo ngay cho người khởi kiện đến tòa án làm thủ tục tạm ứng án phí. Người khởi kiện sẽ có thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí của tòa để nộp tạm ứng án phí.
Sau khi người khởi kiện nộp tạm ứng án phí và nộp cho tòa án biên lai thu tạm ứng án phí thẩm phán sẽ phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Như vậy thời hạn để giải quyết thủ tục thụ lý vụ án dân sự thông thường sẽ rơi vào khoảng 10 ngày.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, trong trường hợp đơn khởi kiện của người khởi kiện đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật mà sau khi các thời hạn trên đã hết mà không chịu thụ lý vụ án thì hành vi đó của một số cán bộ ngành tòa án đã vi phạm pháp luật về thủ tục tố tụng dân sự.
Trên thực tế tòa án không thụ lý đơn hoặc kéo dài việc thụ lý đơn của người khởi kiện không phải là hiếm, nó được thể hiện dưới những đòi hỏi rắc rối thậm chí là vô lý. Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc thụ lý đơn khởi kiện bị chậm trễ kéo dài có thể là do: Vụ án phức tạp, sợ trách nhiệm; Áp lực công việc nhiều; … nhưng dù lý do nào đi chăng nữa thì việc cố tình không thụ lý đơn khởi kiện của người dân có thể bị xếp vào hành vi cản trở việc thực hiện quyền của công dân. Đối với tình trạng nêu trên thiết nghĩ pháp luật cần có những chế tài thích hợp để xử lý dứt điểm để người khởi kiện có thể đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp mà họ đáng được hưởng, tránh trường hợp một số cán bộ ngành tòa án có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng nhiễu gây khó khăn cho công dân, từ đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của ngành tòa án.