Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để thành lập bệnh viện dã chiến
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:09, 08/08/2020
Thông tin trên được chia sẻ vào cuối giờ chiều ngày 7/8, tại buổi giao ban trực tuyến với "Bộ Chỉ huy tiền phương" thường trực đặc biệt chống covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách.
Hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới để giải tỏa bệnh nhân cho Đà Nẵng
Theo chinhphu.vn đưa tin từ điểm cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, một tuần qua, "Bộ Chỉ huy tiền phương" đã nỗ lực trên tất cả các "mặt trận" truy vết, giám sát, cách ly, điều tra dịch tễ, điều trị, phân luồng điều trị, hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới để giải tỏa bệnh nhân cho Đà Nẵng.
Đặc biệt, trong vấn đề xét nghiệm, với sự tăng cường cả nhân lực và phương tiện, hiện nay công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng đã tăng vượt bậc, hiện đã đạt trên 10.000 mẫu/ngày. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, kết quả xét nghiệm của các nhân viên y tế và những người có liên quan tại Bệnh viện C Đà Nẵng đều âm tính, do đó đúng 0h ngày 8/8, Bệnh viện này sẽ được tháo gỡ phong toả để đón người bệnh từ mai đến khám chữa bệnh.
Ảnh minh họa.
Đồng thời, "Bộ Chỉ huy tiền phương" đã làm việc với Quảng Nam, Quảng Ngãi triển khai công tác phòng chống dịch...
Phát biểu tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ với những nỗ lực của "Bộ Chỉ huy tiền phương", đồng thời nhấn mạnh diễn biến dịch của đợt này khá nhanh, tốc độ lây nhiễm khá phức tạp, ngay từ đầu chúng ta đã nhận định như vậy nên phản ứng của Bộ Y tế rất mạnh mẽ ngay từ đầu.
Một trong những quan điểm chỉ đạo của chúng ta từ đầu là quyết liệt, quyết tâm và làm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thần tốc để làm sao chúng ta sớm dập tắt được dịch bệnh này lây lan.
“Công tác phòng chống dịch không chỉ của riêng Đà Nẵng mà Bộ Y tế đã giao ban liên tục với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố và đã yêu cầu tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu. Theo đó, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, đặc biệt về nhân lực. Bài học của Đà Nẵng để chúng ta thấy điều phối về nhân lực đối với các địa phương khi xảy ra dịch bệnh covid-19 trên diện rộng”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Quản lý chặt chẽ người trở về từ Đà Nẵng
Cũng tại buổi họp trực tuyến, đại diện lãn đạo Bộ Y tế cũng cho biết về đề xuất của Bộ Chỉ huy tiền phương liên quan đến việc Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương rà soát, giám sát, quản lý chặt người trở về từ Đà Nẵng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, trước khi vào giao ban ông đã ký công văn thứ 3 gửi các địa phương đề nghị đẩy nhanh tốc độ rà soát, xác minh, quản lý tất cả các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đã trở về địa phương.
Đây là công điện khẩn thứ 3 liên tiếp, Bộ Y tế gửi các địa phương đề nghị rà soát, giám sát, quản lý và tăng tốc truy vết để tránh bỏ sót các trường hợp trở về từ Đà Nẵng.
Liên quan đến việc đề xuất tăng cường thêm máy chạy thận nhân tạo của "Bộ Chỉ huy tiền phương" cho Trung tâm y tế Hòa Vang, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện K thuê hoặc mua máy chạy thận nhân tạo chậm, kể cả máy ECMO... trong trường hợp nếu thiếu bao nhiêu thì Bộ Y tế sẽ điều động tạo điều kiện tối đa để làm sao đảm bảo công suất, phục vụ bệnh nhân chạy thận, cũng như công tác điều trị.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại buổi giao ban từ điểm cầu cầu Đà Nẵng.
Còn liên quan đến vấn đề hoạt động của bệnh viện dã chiến, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Chỉ huy tiền phương lập tổ thẩm định tại chỗ, nếu công tác thẩm định hoàn thành, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sắp xếp làm việc với địa phương để có thể sớm ra quyết định đưa bệnh viện vào hoạt động.
Bộ Y tế lên phương án giao một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để có thể thành lập bệnh viện dã chiến sẵn sàng phục vụ chống dịch. Riêng tại Quảng Nam "Bộ Chỉ huy tiền phương" cần làm việc với tỉnh để đôn đốc việc sớm thành lập bệnh viện dã chiến.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thành hướng dẫn trộn mẫu để giải toả lượng mẫu cho các đơn vị xét nghiệm.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Khoa học Công nghệ yêu cầu các trường y dược trên toàn quốc phải tập huấn về cách thức lấy mẫu và phương thức dự phòng lây nhiễm.
Đồng thời, yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn trực tuyến toàn quốc việc cách thức lấy mẫu xét nghiệm và cả phương thức dự phòng lây nhiễm và cả việc trộn mẫu đúng quy trình. Vì nếu không có lực lượng lấy mẫu thì sẽ không làm nhanh được.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, tất cả các ca xét nghiệm kháng thể dương tính dù không phải là ca bệnh nhưng phải ứng phó như với một ca bệnh dương tính, để truy vết, giám sát quá trình tiếp xúc. Đà Nẵng hiện đã làm thế và Bộ Y tế cũng yêu cầu với các địa phương phải vậy, nếu không sẽ bỏ sót một lượng người mang bệnh nhưng không có triệu chứng (đã khỏi).
Về vấn đề cách ly, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện kiên quyết phải cách ly tập trung với các trường hợp F1. Càng để F1 sẽ đẻ ra nhiều F2. Khi F1 thành F0 thì sẽ càng vất vả, khó khăn hơn trong chống dịch...