Thủ khoa đầu vào các trường đại học gỡ rối như thế nào khi làm bài thi mà quên công thức?
Giáo dục - Ngày đăng : 15:46, 07/08/2020
Đó là chia sẻ của bạn Hồ Phi Khánh – thủ khoa toàn quốc khối B năm 2017 – Hiện đang học Trường ĐH Y Hà Nội.
Làm đến đâu chắc đến đó
Theo Khánh, trong kì thi chính thức thì với thí sinh, làm đúng phải là điều ưu tiên số 1. Làm nhanh mà không biết mình làm đúng hay sai thì chẳng khác gì đánh ngẫu nhiên đáp án. Muốn đúng thì làm câu nào phải thật chắc câu đó. Làm được câu nào tô đúng đáp án câu đó, rồi chuyển sang câu tiếp theo làm tiếp.
Thời gian trong phòng thi tưởng dài mà rất ngắn, sẽ không đủ để mình làm xong rồi làm lại lần thứ 2 được. Nên làm được câu nào là phải đúng câu đó. Tuy nhiên trường hợp có những câu hỏi lý thuyết chúng ta quên, ta có thể sử dụng cách loại trừ các phương án sai trước. Rồi nên bình tĩnh nhớ lại mảng kiến thức đó.
Đối với mình những công thức đã học và áp dụng nhiều thì rất hi hữu quên. Khi quên công thức mà dạng bài tập dài ít làm, mình biến đổi từng bước để tìm ra ra đáp án, có thể sẽ lâu hơn một chút, nhưng vẫn ra được kết quả, không nhất thiết phải phụ thuộc vào công thức. Ngoài ra chúng ta cũng có thể thử các trường hợp "đặc biệt" để suy luận ra công thức tổng quát.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Khánh lưu ý, trong trường hợp gặp câu khó quá, nếu 30 giây vẫn không nhớ ra công thức đấy thì bạn không nên cố nhớ tiếp mà đánh dấu câu đó, làm các câu tiếp theo. Không để thời gian trôi vô ích. Khi làm xong tất cả các câu khác chắc chắn, nếu còn thời gian thì cố hoàn thành những câu đánh dấu chưa làm.
Khánh cũng chia sẻ thêm, có thể trong đề sẽ có những câu mình chưa gặp bao giờ. Tất nhiên là không có một công thức nào chung để giải quyết. Nếu vậy thì trước khi giải đề, bạn nên xem sơ qua đề từ đầu đến cuối, xem đề ra vào cái gì, số lượng câu khó, lạ có nhiều không? Để phân bổ tốc độ về thời gian làm bài cho phù hợp.
Đối với những câu khó và dài, chúng ta phải bình tĩnh suy nghĩ hướng đi, tính toán chính xác, biến đổi chính xác, nhiều lúc có thể phải tính toán dài, phức tạp nhưng phải chấp nhận, cẩn thận, đúng từng bước một thì bạn sẽ giải quyết được hết.
Còn đối với Nguyễn Quang Dũng – Thủ khoa toàn quốc khối A năm 2017, hiện đang học trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Trong đề thi luôn tồn tại các câu lạ, các câu khó nhằm mục đích phân loại thí sinh, các bạn nên bình tĩnh và luôn sẵn sàng tâm thế đối mặt. Để không mất điểm oan, các bạn cố gắng làm chắc những câu dễ, tập trung cao độ, không nên để tâm quá vào câu khó ảnh hưởng đến thời gian cũng như quá trình làm hết tất cả các câu trong đề”.
Dũng nói thêm, các bạn nên có một tâm thế tự tin đồng thời bạn tập trung cao độ, vận dụng linh hoạt các kiến thức cơ bản để đối mặt với câu lạ thì sẽ có cách giải quyết.
Đánh dấu những câu khó trước
Còn theo chia sẻ nhiều bạn sinh viên năm nhất của ĐH Ngoại thương, nếu bỗng nhiên quên công thức, đầu tiên hãy khoanh tròn hoặc đánh dấu để biết mình chưa làm câu đó, làm những câu tiếp theo trước. Khi làm xong hết câu dễ, mình sẽ quay lại câu vừa rồi xem có làm được không. Nếu may mắn phát hiện và nhớ lại công thức thì ngay lập tức làm luôn, còn nếu không thì hãy làm những câu còn lại. Đến 5 phút cuối giờ nếu không thể nhớ ra nổi, “hãy mạnh dạn tin vào trái tim của bạn”.
Làm một bài thi trắc nghiệm là việc tổng hợp kiến thức về nhiều mặt từ đó đưa ra câu trả lời cho nhiều dạng câu hỏi cũng như lượng kiến thức phong phú được đưa ra trong đề. Do đó cần có sự tổng hợp của kiến thức, tư duy, kĩ năng, phản xạ. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là độ nhanh nhạy của phản ứng với câu hỏi để giúp thí sinh có khả năng nhanh chóng xử lí đề bài, tìm ra đáp án trong kho kiến thức và lựa chọn đáp án của đề bài, hoàn thành bài thi một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Nếu gặp dạng bài chưa làm bao giờ, phải bình tĩnh đọc kĩ đề bài, liên hệ với những dạng bài quen thuộc và kiến thức mình đã học để tìm ra cách giải. Vì kiến thức trong đề thi ắt hẳn là kiến thức mà bạn đã học, chỉ là được chuyển đổi theo cách mà bạn không nhận ra.