Các nước gửi viện trợ tới Lebanon khi số người chết trong vụ nổ ở Beirut tăng lên ít nhất 100

Chuyển động - Ngày đăng : 22:19, 05/08/2020

Các nhân viên cứu hộ của Lebanon hôm nay đã đào bới đống đổ nát của các tòa nhà để tìm kiếm những người sống sót sau vụ nổ kho hàng lưu trữ chất nổ khổng lồ khiến thành phố Beirut bị tàn phá, làm ít nhất 100 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương.

Các nước gửi viện trợ tới Lebanon khi số người chết trong vụ nổ ở Beirut tăng lên ít nhất 100

Hiện trường vụ nổ khiến hơn 100 người chết và hàng ngàn người bị thương ở khu vực cảng của Beirut.

Các quan chức cho biết con số thương vong dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục tăng.

Đây là vụ nổ mạnh nhất từ trước tới nay từng xảy ra ở Beirut - một thành phố vẫn còn những tàn phá nặng nề bởi cuộc nội chiến cách đây ba thập kỷ và đang quay cuồng vì một cuộc khủng hoảng kinh tế do sự gia tăng dịch bệnh Covid-19.

Vụ nổ tạo ra một đám mây khổng lồ hình nấm trên bầu trời và làm rung chuyển các khung cửa sổ trên đảo Síp - hòn đảo Địa Trung Hải cách đó khoảng 100 dặm (160 km).

Tổng thống Michel Aoun cho biết 2.750 tấn ammonium nitrate, được sử dụng trong sản xuất phân bón và chế tạo bom, đã được lưu trữ tại kho cảng này trong 6 năm mà không có biện pháp an toàn.

Ông nói rằng chính phủ sẽ quyết tâm điều tra và vạch trần những gì xảy ra càng sớm càng tốt, để tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm về những sơ suất này và phải nhận những bản án nghiêm khắc nhất.

Trong khi đó, những người Lebanon từng mất việc làm và chứng kiến ​​tiền tiết kiệm của mình “bốc hơi” trong cuộc khủng hoảng tài chính của Lebanon đã đổ lỗi cho tham nhũng và sự quản lý yếu kém.

“Đây là một thảm họa đối với Beirut và Lebanon” - Thị trưởng của Beirut, Jamal Itani, nói trong khi cho biết thiệt hại mà ông ước tính lên tới hàng tỷ đô la.

Người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Lebanon, George Kettani, cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng và các nỗ lực tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.

Rất nhiều người đang tập trung tại cảng Cordon và cảng Beirut để tìm kiếm thông tin về người thân mất tích của mình.

Vụ nổ mạnh đã hất tung các nạn nhân xuống biển. Nhiều người trong số các nạn nhân thiệt mạng là nhân viên cảng và những người làm việc trong khu vực hoặc lái xe trong giờ cao điểm khi vụ nổ xảy ra.

Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp với Bộ Y tế để thiết lập nhà xác dã chiến vì các bệnh viện đã bị quá tải, Chủ tịch Hội Chữ thập đổ Lebanon Kettani cho biết.

Sara, một y tá ở Trung tâm y tế Clemenceau của Beirut, đã mô tả bệnh viện nơi cô đang làm việc sau vụ nổ như một lò mổ, máu bao phủ khắp hành lang và thang máy.

Mặt tiền của các tòa nhà trung tâm Beirut bị xé toạc, đồ đạc bị rơi xuống đường, còn mặt đường rải đầy mảnh vụn kính. Những chiếc ôtô ở gần cảng bị lật tung.

Các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh - vốn từng là nước ủng hộ tài chính lớn của Lebanon nhưng gần đây đã lùi lại vì những gì họ nói là do Iran can thiệp - đã gửi máy bay với thiết bị y tế và các vật tư khác tới viện trợ. Trong khi đó, Iran đã hỗ trợ thực phẩm và gửi tới một bệnh viện dã chiến.

Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các quốc gia phương Tây khác, những quốc gia đã yêu cầu một sự thay đổi chính trị ở Lebanon, cũng đề nghị giúp đỡ. 

Hà Lan cho biết đang gửi các bác sĩ, y tá và các đội tìm kiếm và cứu hộ chuyên ngành tới Lebanon.

Đối với nhiều người, vụ nổ này gợi cho người dân ở đây về những kí ức khủng khiếp của cuộc nội chiến từ năm 1975 đến 1990 đã xé tan đất nước Lebanon và phá hủy thành phố Beirut.

Các quan chức chưa xác nhận nguyên nhân vụ cháy ban đầu đã gây ra vụ nổ, nhưng một nguồn tin an ninh và phương tiện truyền thông nước này cho biết vụ cháy đã được bắt đầu bằng bởi những tia lửa hàn tại nhà kho.

Khu vực cảng đã trở thành một đống đổ nát - cắt đứt tuyến đường chính nhập khẩu những nhu yếu phẩm cần thiết để nuôi sống một quốc gia hơn 6 triệu người. Trong khi đó, Lebanon vẫn đang phải vật lộn để sống hàng trăm ngàn người tị nạn từ Syria.

Đại sứ quán Mỹ đã cảnh báo mọi người về khí độc thải ra từ vụ nổ này.

Vụ nổ xảy ra ba ngày trước khi Tòa án của Liên hợp quốc đưa ra phán quyết trong phiên tòa xét xử bốn nghi phạm từ nhóm Hồi giáo Shi'ite do Iran hậu thuẫn về vụ đánh bom năm 2005 đã giết chết cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri và 21 người khác. Thủ tướng Hariri đã bị ám sát bởi một quả bom xe tải tại bờ sông Beirut.

Trâm Anh (theo Reuters)