Sóng to, mưa lớn khi bão số 2 đổ bộ Thanh Hóa
Đời sống - Ngày đăng : 21:18, 02/08/2020
Kể từ chiều 1/8, gió to kèm theo mưa lớn đã đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa. Chính quyền địa phương cùng với người dân huy động toàn bộ lực lượng di chuyển tàu thuyền vào khu vực tránh trú an toàn. Nhà cửa, hàng quán dọc bờ biển cũng được chằng chống, cố định. Sáng 2/8, mưa vẫn trút xuống rất lớn, lực lượng BĐBP tại các đồn biên phòng ven biển đã đến các âu và nơi tránh trú bão của tàu thuyền, yêu cầu ngư dân và chủ tàu rời khỏi phương tiện để bảo đảm an toàn.
Thuyền của ngư dân Sầm Sơn được đưa lên đường Hồ Xuân Hương tránh bão
Ghi nhận tại huyện Hậu Lộc, tất cả 813 phương tiện đã vào nơi tránh trú an toàn tại Kênh De và Lạch Sung. Tại thành phố Sầm Sơn, các tàu thuyền công suất lớn được đưa vào Lạch Hới neo đậu, còn những chiếc thuyền hay bè mảng nhỏ thì người dân đẩy lên bờ, cách xa mép nước. Một phần bãi tắm, đường Hồ Xuân Hương cũng được sắp xếp thành nơi đậu thuyền bè và ngư lưới cụ. Các địa phương Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (Hoằng Hóa) đã đưa toàn bộ thuyền bè trú ẩn an toàn. Khu du lịch Hải Tiến cũng trở thành nơi trú của thuyền, bè. Hàng trăm hộ dân dọc bờ biển trong diện bị ảnh hưởng nặng cũng đang có phương án di tản khi có lệnh
Sáng ngày 2/8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Sinlaku đang ở cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An khoảng 120 km về phía Đông Nam. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 (75 km/h) khoảng 130 km, tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15 - 20 km mỗi giờ, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Công điện khẩn số 17, điện Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; giám đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan và các công ty thủy nông, triển khai nhiều giải pháp phòng chống bão. Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa khẩn trương triển khai thực hiện tốt các công việc sau:
Lực lượng chức năng vận động người dân không ở lại trên thuyền khi bão đổ bộ
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan. Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú. Tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển. Tổ chức cấm biển từ 19h00 ngày 01/8/2020 đến khi bão suy yếu và tan dần.
Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; trong đó cần lưu ý công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực sơ tán. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.
Cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi
Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều theo cấp báo động, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi. Đặc biệt là đối với các tuyến đê bị sự cố, đang thi công dở dang; các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du đập, các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, khu vực khai thác khoáng sản, các trang trại. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, chặt tỉa cành cây.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng đối với các đô thị và sản xuất nông nghiệp; chủ động thực hiện tiêu nước đệm, giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện.
Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ. Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày.
Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động xuống các địa bàn được phân công phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác Phòng chống thiên tai. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Thời gian qua do nắng nóng kéo dài nên khi có mưa lớn rất dễ xảy ra sạt lở đất. 7 huyện ở Thanh Hóa được cảnh báo có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong và thời điểm hoàn lưu bão gây mưa. Nhất là các huyện Quan Sơn, Lang Chánh, Như Thanh và Mường Lát.
Do ảnh hưởng của bão số 2, các hãng hàng không đã thông báo hoãn, hủy các chuyến bay tới Cảng hàng không Thọ Xuân trong ngày 2/8. Các hãng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cập nhật trong các bản tin tiếp theo và khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay tới Thọ Xuân (Thanh Hoá) nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ hãng để chủ động lịch trình đi lại.