Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Đời sống - Ngày đăng : 19:57, 31/07/2020
Để phát triển một địa phương, một vùng lãnh thổ hay một đất nước, nhất định phải khơi dậy được những tiềm năng nội tại. Trên “nguyên tắc” ấy, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định và khơi dậy tiềm năng của 4 vùng kinh tế: Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng và Bỉm Sơn, gọi chung là “tứ Sơn”. 4 vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo thành thế chân kiềng vững chãi, kéo theo sự phát triển bền vững cho toàn bộ xứ Thanh rộng lớn.
Khu kinh tế Nghi Sơn về đêm.
Riêng với Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), đây được xem là đàu tàu kinh tế của tỉnh nhà. Sau 15 năm xây dựng và đi vào hoạt động với hệ thống hạ tầng, kỹ thuật được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, nơi đây đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới thuận lợi, tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Ở đây, những công trình, dự án công nghiệp tầm quốc gia đã hiện hữu. Nghi Sơn thực sự trở thành trung tâm sản xuất điện năng của vùng Bắc Trung bộ, là “thủ phủ” xi măng của miền Bắc, là một trong những trung tâm lọc hóa dầu của Việt Nam, là nơi có tốc độ phát triển dịch vụ cảng biển nhanh nhất cả nước.
Bên cạnh đó phải kể đến hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước thô, đê chắn sóng, hạ tầng cảng biển đang mang lại tiềm năng lớn cho phát triển, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, đã có 8 bến cảng tổng hợp, 3 bến cảng chuyên dụng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận các tàu công suất đến 70.000 DWT.
Cùng với đó, công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính của tỉnh trong những năm gần đây đang góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư tại đây, Nghi Sơn thực sự là điểm đến của thành công. Hiện KKTNS có 288 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 130.083 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,693 tỷ USD.
Cảng biển Nghi Sơn được đầu tư hiện đại.
Đến nay, đã có nhiều dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, trong đó có một số dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, da giày... .
Tính đến cuối năm 2019, đã có 234 dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong đó đã có 158 dự án thuê đất với tổng diện tích gần 1.980 ha. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở đây rất đa dạng, với hàng chục ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, từ khi đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đạt khoảng gần 155.000 tỷ đồng.
Một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay - Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả. Công trình trọng điểm Quốc gia mang tầm cỡ quốc tế này đang sừng sững hiện hữu trên vùng ven biển Nghi Sơn, như là một biểu tượng thành công trong thu hút đầu tư vào Thanh Hóa, đồng thời mỗi năm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, giúp cho chỉ số tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đạt những dấu mốc cao chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay
Cùng với đó, hạ tầng khu kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ này đang dần hoàn thiện và hiện đại hóa. Có đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 1A chạy qua, chỉ cách Cảng Hàng không Thọ Xuân khoảng 1 giờ đi ô tô, Khu Kinh tế Nghi Sơn có vị trí thuận lợi cho thu hút đầu tư cũng như phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn.
Hệ thống cảng biển nước sâu tại Nghi Sơn đang có tốc độ phát triển nhanh và sôi động, đẩy mạnh quá trình giao thương hàng hóa đến với các thị trường trong nước và thế giới. Không còn là sự kỳ vọng, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã khẳng định vai trò to lớn để phát triển kinh tế vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, là một trong các khu kinh tế động lực của Việt Nam.
Vào tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1699/QĐ-TTg để điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung Khu Kinh tế Nghi Sơn lên tổng diện tích 106.000 ha. Đây chính là dấu mốc mới để khu kinh tế lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung bộ này “vươn mình”, “cất cánh”.
Mới đây, Bộ Chính trị vừa chính thức thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và nhất trí ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn được dành sự quan tâm đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, hướng Thanh Hóa sớm trở thành vùng động lực cho khu vực Bắc Trung Bộ.