Tặng giấy khen như thế nào để không làm mất ý nghĩa?

Giáo dục - Ngày đăng : 10:54, 31/07/2020

Thời quan qua, việc tặng giấy khen cho học sinh tại các trường có phần chưa đáp ứng được mục đích khích lệ, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của học sinh dẫn đến hoạt động này mất đi ý nghĩa đích thực của việc khen thưởng...

Trước vấn đề trên, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT – cho biết, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện dự thảo các quy định mới về khen thưởng đối với học sinh phổ thông để thay thế cho các nội dung quy định hiện nay về khen thưởng học sinh phổ thông vốn đang được quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp học và văn bản liên quan khác.

Trong đó, ông Linh nhấn mạnh, về việc tặng giấy khen, dự thảo các quy định mới yêu cầu cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng học sinh để xem xét, tặng giấy khen cho học sinh đảm bảo các điều kiện nhất định.

Cụ thể, học sinh đảm bảo một trong các điều kiện sau sẽ được xem xét, tặng giấy khen: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông); học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; học sinh có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Học sinh có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền.

Căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, Hiệu trưởng quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với từng thành tích cụ thể đạt được của học sinh

Bên cạnh đó, các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic cấp quốc gia, quốc tế các môn học; các cuộc thi cấp quốc gia (như triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học (Visef), giao thông học đường, pháp luật học đường…, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (hội khỏe phù đổng của học sinh phổ thông…) do Bộ GD&ĐT chủ trì hoặc phối hợp tổ chức (mà Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức phối hợp tổ chức) cũng sẽ được khen thưởng, kể cả việc đề nghị khen cao theo qui định.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang chủ trì, phối hợp các Bộ ngành trình Chính phủ Nghị định mới để thay thế Quyết định 158/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi, Olympic quốc gia, Olympic quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia và kỹnăng nghề quốc tế, với mức cao hơn nhằm ghi nhận, vinh danh xứng đáng các thành tích của các em khi đạt các giải cao tầm cỡ châu lục, thế giới, góp phần nhỏ vào việc nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Như vậy so với trước đây, các học sinh đạt mức học lực, rèn luyện khá đã được tặng giấy khen của nhà trường, qua theo dõi, tỉ lệ phần trăm các học sinh trong lớp học được xếp loại các mặt từ khá trở lên chiếm đa số.

“Như vậy, quy định đã yêu cầu cao hơn so với nội dung cũ để hạn chế việc khen tràn lan, đảm bảo mục đích khen, tạo động lực cho học sinh hơn”, ông Linh nhấn mạnh.

Đức Duy