Phòng, chống dịch COVID-19: Phân 4 nhóm đối tượng thi sinh tại Kỳ thi THPT quốc gia
Chính trị - Ngày đăng : 12:35, 29/07/2020
Quang cảnh buổi họp sáng 29/7
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Bộ ngành, địa phương siết lại, thực hiện nghiêm Chỉ thị 19
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy, sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình.
Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, vấn đề đang lưu ý trong giai đoạn dịch bệnh này là lượng lớn du khách tới Đà Nẵng và đã trở lại các địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Do vậy, tại các địa phương khác hoàn toàn có nguy cơ cao sẽ xuất hiện ca mắc Covid-19 mới.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị những người đi từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây, phải thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất việc theo dõi sát sao, chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại tất cả các địa phương trên cả nước, chú ý các trường hợp đi qua các điểm đã được phong tỏa tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, nếu phát hiện các ca nhiễm không liên quan đến các điểm phong tỏa tại Đà Nẵng, các cơ sở y tế phải có biện pháp xét nghiệm kịp thời, khoanh vùng, dập dịch.
Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng, các văn bản, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có rất đầy đủ, trong đó Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 19 có lơi lỏng, cho nên bây giờ các bộ ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng.
Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Qua thực tiễn ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế phải tăng cường công tác tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Cùng với đó, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bộ Tạ Quang Đông cho rằng, cần hạn chế tối đa hoạt động du lịch, tổ chức hội hè… để bảo đảm an toàn. Theo đó, đối với những địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền công bố có dịch sẽ huỷ hoàn toàn các hoạt động vui chơi giải trí, hội hè. Tại các địa phương có nguy cơ cao, sẽ hạn chế, tạm dừng các sự kiện không cần thiết và khuyến cáo không tập trung đông người…
Phân 4 nhóm đối tượng thí sinh Kỳ thi THPT quốc gia
Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 vẫn sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Hiện nay, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19. Đối với những địa phương có dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn rất cụ thể để các địa phương áp dụng phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại cơ sở.
Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi), các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các học sinh, đồng thời bảo đảm quyền chủ động tuyển sinh của các trường.
Đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận khu cách ly tùy theo số lượng đối tượng thí sinh; bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh F1 có điều kiện dự thi.
Đối với nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tuỳ theo số lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng các học sinh đông thì tổ chức một điểm thi riêng và có phương án đưa đón các học sinh phù hợp.
Trường hợp còn lại, các em thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách bảo đảm yêu cầu như: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 29/7, đã ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19 gồm 27 trường hợp tại Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Quảng Nam, 1 trường hợp tại Quảng Ngãi. Trong đó, 23 trường hợp mắc trên 40 tuổi; 12 trường hợp trên 60 tuổi. Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ 30 bệnh nhân COVID-19 này, Bộ Y tế cho biết có 24 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 5 nhân viên y tế, 1 người nhà của cán bộ y tế, 18 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tập trung chủ yếu ở 3 khoa: Hồi sức cấp cứu, Tim mạch và Nội Thận. Hiện cả nước có 446 trường hợp mắc COVID-19, trong số đó 369 trường hợp khỏi bệnh (chiếm 82,7%); 77 bệnh nhân đang điều trị tại 12 cơ sở y tế trên cả nước. |